Phật là từ gọi tắc của Phật-đà được phiên âm từ chữ Phạn (sanskrite) Buddha, có nơi còn phiên âm là Phù-đà, Phù-đồ, Phù-đầu, Một-đà, Bột-đà, … có nghĩa là chỉ cho Bậc đã giác ngộ hòan tòan về nhân sinh và vũ trụ, là Bậc hiểu biết thấu triệt tất cả các pháp, là Bậc đã giác ngộ chân lý, là Bậc tri kiến như thật về tánh tướng của tất cả các pháp, Bậc đã thành tựu Chánh đẳng Chánh giác của Đại Thánh, là bậc đã thành tựu ba việc tự giác ngộ mình, giác ngộ cho người khác và, giác hành viên mãn, là chỉ cho quả vị tu hành tối cao tột cùng của Phật giáo.
Trong ba việc tự giác, giác tha và giác hành đối với chúng sinh phàm phu thì chúng ta không có bất cứ phần nào; còn hai thừa các hàng Thinh văn và Duyên giác thì chỉ đạt được phần thứ nhất là tự giác còn hai phần kia thì chưa đạt được, còn đối với các hàng Bồ-tát thì mới chỉ đạt được hai phần tự giác và giác tha, còn phần giác hành thì chưa đạt được; riêng chỉ duy nhất có chư Phật mới hòan thành một cách viên mãn ba phần này nói chung và, đức Thích Ca Văn nói riêng mới đạt được nên gọi Ngài là Phật. Nhờ sự kiện này mà chúng hiển bày một cách rõ nét và nổi bậc về sự tôn quí của Phật. Đối với nội dung chứng ngộ của Phật thì trong kinh luận của Phật giáo có đề cập rất nhiều; nhưng riêng về Phật thân (Buddha-kāya) và cõi Phật (Phật độ) thì có những quan điểm khác nhau vì trình độ nhận thức và hiểu biết tùy thuộc vào căn cơ vào lúc bấy giờ của các bộ phái sau khi đức Đạo sư vào Niết-bàn, nên sự sai khác cũng theo đó mà  xuất hiện. Trong hiện tại Phật giáo chỉ còn lại hai bộ phái đó là Tiểu thừa và Đại thừa nên sự khác biệt chỉ được giới hạn trong vòng hai bộ phái này và những bất đồng về mặt bản thể luận cũng nhích lại gần hơn trong nhận thức. Tuy nhiên chúng vẫn còn những dị biệt do căn cơ trình độ nhận thức còn giới hạn trong tư duy về sự chứng đắc A-la-hán và quả vị Niết-bàn. Riêng Đại thừa giáo nhắm đến mục đích cuối cùng là quả vị Phật.
- Căn cứ vào vô lượng công đức mà đức Đạo sư đã từng tự thực hành huân tập trong vô lượng kiếp đến nay sau khi Ngài thành đạo mà được xưng tụng và tán thán qua nhiều danh hiệu khác nhau như: Mười hiệu Như lai (Như lai thập hiệu), Bậc biết tất cả (Nhất thiết tri giả), bậc thấy tất cả (Nhất thiết kiến giả), bậc biết đạo (Tri đạo giả), bậc khai đạo (khai đạo giả), Bậc nói về đạo (Thuyết đạo giả), Bậc được tôn quý ở đời (Thế tôn), Bậc dũng mãnh kiên cường đoạn trừ tất cả phiền não thế gian, Bậc hướng dẫn thế gian (Thế nhãn giả), Bậc anh tú thế gian, Bậc được tôn quý nhất thuộc năm từng trời, Bậc Đại giác được tôn quý ở thế gian (Đại Giác Thế tôn), Giác vương, Pháp vương, Bậc thầy dẫn đường vĩ đại (Đại đạo sư), Đại Thánh nhơn, Đại Sa-môn, Đại tiên, Đại y vương, Phật thiên, Phật nhựt, Lưỡng túc tôn, Nhị túc tôn, Lưỡng túc tiên, Nhị túc tiên (Lưỡng túc hay nhị túc ở đây, có hai cách để giải thích: 1/ Được hiểu như là Ngài là đấng tôn quý bậc nhất trong sinh loại có hai chân. 2/ đầy đủ Hạnh và Nguyện, hay đầy đủ Phước và Trí), Bậc tối thắng trong chư thiên (Thiên trung thiên), là Ngưu vương trong cõi người (Nhơn trung ngưu vương), bậc hùng anh trong cõi người (nhơn trung chi hùng giả), … Đó là những danh hiệu khác nhau được xưng tụng tán thán dành cho Phật.
- Và cũng căn cứ vào tánh đức thù thắng sở hữu của Phật được thể hiện ra bên ngoài thân tướng qua ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Ngoài ra còn có đầy đủ mười lực, Bốn vô sở úy cùng mười tám pháp bất cộng năng lực thù thắng khác. Lại, Phật còn có Bảy hạng công đức thù thắng vượt hơn cả người thường tình thế gian được gọi là Thất thắng sự, còn gọi là Thất  chủng tối thắng, hay Thất chủng vô thượng (Tức chỉ cho thân thù thắng, trụ như pháp thù thắng, trí tuệ thù thắng, đầy đủ thù thắng, hành xử thù thắng, không thể nghĩ bàn thù thắng, giải thóat thù thắng); và sự quân bình định-trí-bi của Phật là thù thắng, cho nên thường gọi là đại định, đại trí, đại bi; nếu đem ba đức (đọan đức, trí đức, ân đức) với chúng thì gọi chung là đại Định-Trí-Bi.
- Ngoài vấn đề công đức và thù thắng đã thể hiện qua tự giác tự độ ra Phật còn có khả năng giáo hóa chúng sanh, hướng dẫn dạy dỗ mọi người thoát khổ được vui cho nên Phật có danh xưng là Năng Nhơn; như khả năng tiếp dẫn chúng sanh về thế giới cực lạc của đức Phật A-di-đà cũng được gọi là An lạc Năng nhơn. Vì vậy cho nên đức Phật thích Ca có nghĩa là Năng Nhơn cũng ở trong trường hợp này.
A . Phật thân:
Căn cứ vào những công đức, những thù thắng được thể hiện ra bên ngoài thân Phật nhờ chánh báo mà Phật đã tự thực hành tu tập trong vô lượng kiếp và khả năng giáo hóa của Phật nên các bộ phái Phật giáo sau này có những chủ trương khác nhau theo nhận thức của họ về thân Phật.
I . Quan điểm của Tiểu thừa: Như Đại chúng bộ thì cho thân Phật chỉ cho nhục thân (sinh thân) là thân vô lậu, nên oai lực, tuổi thọ là vô hạn. Trong khi Hữu bộ thì cho rằng Phật thân tức sinh thân của Phật cũng chỉ là kết quả của nghiệp phiền não (thiện) nên thuộc về hữu lậu và, chỉ thừa nhận Phật đã thành tựu mười lực, bốn vô sở úy cùng những thứ công đức khác và, tất cả những giáo pháp của đức Phật dạy ra mới thuộc vô lậu, chúng được gọi là Pháp thân (dharma-kāya). Pháp thân này không thể dùng con mắt thịt bình thường của chúng ta mà nhận ra cái lý của Phật được. Như vậy, pháp thân cùng với sinh thân hợp lại gọi là nhị thân. Và cũng theo Hữu bộ thì giới, định, tuệ, giải thóat, giải thóat tri kiến là năm phần pháp thân và những công đức trên cũng thuộc về phần pháp thân.
II . Quan điểm của Đại thừa: Theo các nhà Đại thừa thì tùy thuộc vào sự biến hóa uyển chuyển của nội dung tư tưởng của pháp thân mà khai triển và, cũng theo nghĩa này mà pháp thân được chỉ cho pháp tánh chân như. Theo Kin Cang Bát Nhã luận quyển thượng của Vô Trước thì: “Kinh điển là pháp thân trên ngôn thuyết, khi y cứ vào đó để tu hành chứng đắc lúc này pháp thân mới hiển hiện gọi là chứng đắc pháp thân” Vì vậy cho nên các nhà Đại thừa sau này mới gọi Lý thể chân như là Pháp thân; còn Sinh thân chỉ là Ứng thân (nirmāṇ-kāya) và, còn có Báo thân (saṃbhoga-kāya). Theo Thập địa kinh luận 3 và, Nhiếp Đại thừa luận hạ, thì chủ trương Phật có ba thân (Pháp-Báo-Ứng) và, có kinh luận lại ghi có bốn thân; nhưng ở đây chúng tôi sẽ trình bày về ba thân:
1/ Pháp thân còn gọi là Pháp Phật, Pháp thân Phật, Pháp tánh thân, Tự tánh thân, Đệ nhất thân, Chân thân …: Theo Phật giáo Đại thừa thì chỉ chấp nhận quan niệm về Pháp thân của các nhà Hữu bộ và, cộng thêm quan điểm về Pháp tánh chân như của Lý thể bình đẳng phổ biến chân thật thường trụ của các pháp mà lấy làm Pháp thân, hay có chỗ lập Như lai tạng làm Pháp thân.
2/ Báo thân còn gọi là Báo thân Phật, Thọ dụng thân, Thọ pháp lạc Phật, Thọ lạc báo Phật, Thực thân …: Chỉ cho lúc hành giả ngộ được chân lý mà có thân phổ biến cụ thể của công đức, thân này chẳng phải là thân chân lý vĩnh viễn, cũng chẳng phải là thân nhân cách vô thường, mà ở nơi nhân vị Bồ-tát thời lập nguyện cùng tu hành, kết quả đó sẽ hiển hiện hưởng lạc của Phật, tức chỉ cho báo thân. Như Phật A-di-đà, báo thân lấy đại từ, đại định, đại bi làm Thể; lấy sắc tướng cụ túc vô lượng công đức cùng tướng lạc tịnh độ của Phật làm nhân mà thành lập báo thân; Bồ-tát ở cõi Tịnh độ hưởng pháp lạc cũng lấy báo thân làm nhân cho mình.
 3/ Ứng thân, còn gọi là ng thân Phật, Ứng thân Như lai, Ứng hóa thân, Ứng hoá pháp thân …: Tức là hiện thân Phật mà cứu độ chúng sanh, ứng vào căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện thân nhân cách để tùy thuộc vào căn cơ hòan cảnh quốc độ mà giáo hóa. Như đức Phật Thích Ca Mâu-ni, ứng hiện ra thân thông thường của Ngài cao một trượng sáu xích để thích hợp với vóc dáng người Ấn Độ vào lúc bấy giờ mà hóa độ.
Sự liên hệ giữa ba thân này giống như bóng, ánh sáng, và thể của mặt trăng, gọi một mặt trăng mà có ba thân. Nói một cách cụ thể thì, thể lý của pháp thân là một, thường trụ không biến đổi, nên chúng ta dùng thể mặt trăng để ví dụ. Trí tuệ của báo thân do lý thể của pháp thân sinh ra, nó có khả năng chiếu sáng khắp tất cả, nên dùng ánh sáng của mặt trăng mà dụ; còn Ứng thân đủ sức tác dụng biến hóa, theo từng cơ duyên mà hiện, vì vậy cho nên chúng ta lấy ánh sáng của mặt trăng hiện lên trên mặt nước và mọi nơi mà làm thí dụ cho chúng ta dễ hiểu.
B . Cõi Phật (Phật độ):
Căn cứ vào những công đức, những thù thắng được thể hiện ra bên ngoài cõi Phật thị hiện là nhờ vào y báo mà Phật đã tự thực hành tu tập trong vô lượng kiếp và hạnh nguyện của các Ngài mà thị hiện vào các quốc độ vửa phù hợp với chánh báo vừa phù hợp với y báo và hạnh nguyện của các Ngài mà thị hiện để có thể vừa tự độ độ tha hay tự giác giác tha trong sự nghiệp giáo hóa của Ngài nên cũng theo đó mà các bộ phái Phật giáo sau này có những chủ trương khác nhau theo nhận thức của họ về cõi Phật.
I . Quan điểm Tiểu thừa: Theo Thuyết nhứt thiết hữu bộ thì, Phật độ chỉ cho Thế giới Ta-bà là nơi Phật Thích Ca Đản sinh ra mà nói, sau đó Phật thân biến lý thể chân như thành Pháp thân. Tính lịch sử của Phật là Ứng, hóa thân. Cho nên nhờ quán sát Ứng, hóa thân mà có cõi chơn Phật, cõi Ứng Phật, còn gọi là cõi Phương tiện hóa thân, và cũng do thuyết báo thân mà sinh ra tư tưởng cõi báo (báo độ). Vì những sự giải thích của Phật thân khác nhau nên cõi Phật cũng theo đó mà có hai, ba hay năm thuyết khác nhau.
II . Quan điểm Đại thừa:
1/ Theo Tam luận tông thì, như Đại thừa huyền luận 5, Ngài Cát Tạng cho rằng có năm cõi (độ): Bất tịnh; Bất tịnh, tịnh; Tịnh, bất tịnh; Tạp và, Tịnh. Năm cõi này chúng liên hệ và y cứ vào nghiệp của chúng sanh mà cảm thọ nên gọi là chúng sanh độ. Lại nữa, nhân vào quốc độ của những điều giáo hóa Phật nên cũng gọi là Phật độ. Ở nơi này có cả người phàm và các bậc Thánh cùng cư ngụ, nên gọi là phàm thánh đồng cư độ, cũng là nơi các hàng đã chứng ngộ Tiểu thừa, Đại thừa (A-la-hán, Độc giác, Đại lực Bồ-tát) cùng nhau ở.
2/ Theo Thiên Thai tông chủ trương lập ra bốn cõi: Phàm Thánh đồng cư độ, Phương tiện hữu dư độ, Thật báo vô chướng ngại độ, Thường tịch quang độ.
- Phàm Thánh đồng cư độ, chỉ cho quốc độ vừa ô nhiễm vừa thanh tịnh, nơi phàm phu người trời  cùng các bậc thánh Thinh văn, Duyên giác đồng ở chung. Cõi nhiễm tịnh này, tuỳ thuộc vào y báo và chánh báo nhiễm tịnh của mỗi chúng sanh mà được phân bố trong sáu đường. Những chúng sanh ác thì sinh vào bốn đường địa ngục, ngạ quỹ, súc sinh và, A-tu-la; còn những chúng sanh thiện thì sinh vào hai đường trời và, người. Cũng cư ngụ trong cõi này, nơi cư ngụ của các vị thật Thánh là bốn quả Thinh văn, Bích Chi Phật, Lục địa của Thông giáo, Thập trụ của Biệt giáo; còn nơi cư ngụ của các vị quyền Thánh là cõi Phương tiện hữu dư của các hàng Tam thừa. Và Pháp thân các vị Bồ-tát các cõi Thật báo vô chướng ngại và, Thường tịch quang cùng Diệu giác Như lai thì ứng vào duyên cần cứu giúp của chúng sanh mà quyền biến thị hiện vào cõi đó mà hoá độ. Ngoài cõi Phàm Thánh đồn cư này ra lại có hai loại thế giới thanh tịnh và nhiễm ô đó là thế giới đồng cư uế độ cõi Ta-bà và, thế giới đồng cư tịnh độ của Tây phương cực lạc.
- Phương tiện hữu dư độ, chỉ cho A-la-hán, Bích-chi Phật là những quốc độ mà trước kia Bồ-tát cư ngụ. Những vị này liên hệ với phương tiện tu đạo của Không quán (quán về tính Không của các pháp) và Giả quán (quán về sự giả hợp của các pháp) mà đoạn trừ kiến hoặc cùng tư hoặc ra khỏi phân đoạn sinh tử, nên gọi đó là phương tiện; chỉ còn vô minh hoặc căn bổn, nó che dấu làm chướng ngại thật tướng Trung đạo chưa trừ được, nên gọi là hữu dư.
- Thật báo vô chướng ngại độ, là nơi Bồ-tát sinh ra khi đã đoạn trừ một phần vô minh nhờ tu pháp chân thật là Trung quán. Nơi này là nơi thù báo chân thật của Đạo một cách vô ngại tự tại, nên được gọi là Thật báo vô chướng ngại độ. Cũng là nơi cư ngụ của thuần Bồ-tát, không còn có phàm phu hay nhị thừa nữa và, chính là quốc độ nơi cư ngụ của các hàng Bồ-tát từ sơ địa của Biệt giáo và, sơ trụ của Viên giáo trở lên.
- Thường tịch quang độ, còn gọi là Lý tánh độ, là nơi y cứ của Phật sau khi đoạn trừ tận gốc rễ vô minh hoặc căn bản, tức là chỉ cho quả vị Diệu giác tột cùng, là Phật độ nơi pháp thân thường trụ, giải thoát tịch diệt, trí tuệ quang minh.
3/ Theo Hoa Nghiêm tông y cứ vào lập trường Nhất thừa Biệt giáo đối với sự sai biệt đối đãi của các pháp mà nói thì, ứng vào cơ duyên hiểu biết của nhân loại mà nói về thế giới, đó là thế giới hải, đứng về mặt nhân hiện tượng thế giới này có thể nói được; nhưng đứng về mặt quả Phật chỉ có người giác ngộ về thế giới chân như mới có thể biết, đó là quốc độ giới; còn đối với chúng sinh phàm trần thì không thể nào nói được. Quốc độ giới này là chỉ cho toàn thể vũ trụ mang tên là thế giới hoa tạng cho đến mười thân (chúng sanh thân, quốc độ thân, nghiệp báo thân, thinh văn thân, độc giác thân, bồ-tát thân, Như lai thân, Trí thân, Pháp thân, Hư không thân tác tự thân) đầy đủ những lời giáo hoá của đức Tỳ-lô-giá-na Như lai về quốc độ.
4/ Theo Pháp tướng tông thì, họ chủ trương thành lập ba độ: Pháp tánh độ, Thọ dụng độ, Biến hoá độ. Trong Thọ dụng độ chia ra là hai là tự thọ dụng và, tha thọ dung nên cũng gọi là bốn độ.
- Pháp tánh độ, lấy lý chân như của pháp giới gọi là độ, cùng với thân không khác.
- Tự thọ dụng độ, là trên đệ bát thức của vô lậu quả vị Phật hiển hiện ra cõi Phật thuần tịnh vô lậu, trừ Phật ra không có bất cứ pháp nào đo lường để biết được.
- Tha thọ dụng độ, là cõi nhờ giáo hoá thập địa Bồ-tát mà biến hiện ra.
- Biến hoá độ, là cõi nhờ Bồ-tát bát địa trở lên giáo hoán các hàng nhị thừa và phàm phu biến hiện ra.
5/ Theo Chân ngôn tông thì, hành giả dùng chân ngôn quán tâm mà cảnh địa hiện bày. Phương pháp này phân ra làm ba giai đoạn để thành tựu điệu quả (tam phẩm tất địa): Thượng phẩm hành giả an trụ tâm vào nước Phật Mật Nghiêm, Trung phẩm hành giả an trụ tâm vào Tịnh độ mười phương, Hạ phẩm hành giả an trụ tâm vào cung chư Thiên và Tu-la, nương vào thứ tự pháp tánh thân, báo thân, ứng thân mà phân bố tâm ra khắp châu thân mà an trụ thì, liền được ba phẩm tất địa, nơi cảm ứng của mọi người, còn thể của chúng thì không thể đạt được. Nếu nương vào nơi thân do cha mẹ sinh ra mà an lập tức sẽ chứng đắc địa vị Đại giác thì những gì người phàm thấy về đương thể của uế độ sẽ biến thành Phật quốc Mật Nghiêm.
6/ Theo Tịnh độ tông thì, vì đức Phật A-di-đà có ba thân pháp, báo, ứng nên có ba độ, Pháp thân độ, Báo thân độ, Ứng thân độ và, lấy báo độ nơi cư ngụ báo thân của đức Phật A-di-đà làm Tịnh độ cực lạc. Tịnh độ Chân tông Nhật bản gọi đây là Báo độ chân thât, và thành lập phương tiện hoá độ dẫn đạo giáo hoá chúng sinh.
Tóm lại trên là hai quan niệm về Phật thân và Phật độ của hai bộ phái Phật giáo phát triển hiện đang hiện hữu là Tiểu thừa và Đại thừa. Ở trên có những điểm đồng và không đồng khác nhau trên quan niệm căn cơ có được của hai phái Tiểu và Đại thừa Phật giáo, đó chính là những biểu hiện của trình độ nhận thức kéo đến những bất đồng do trình độ căn cơ tu chứng và phương pháp tu hành mà đưa đến những điều không nên đáng có. Vì trên nền tảng căn bản Giáo pháp của đức Phật với mục đích giải thoát khổ (vô minh phiền não hoặc) để đạt giải thoát và an vui trong hiện tại cũng như trong tương lai qua nhận thức và thực hành duyên khởi pháp về quán pháp lưu chuyển và hoàn diệt. Căn cứ vào pháp đặc trưng Duyên khởi này theo thời gian và không gian trên chiều tương đối và tuyệt đối thì đối với Phật thân và Phật độ không phải là vấn đề mâu thuẫn hay chống trái mà chỉ bị giới hạn trong vấn đề căn cơ nhận thức và hiểu biết để thực hành mà thôi. Về mặt thời gian và không gian các nhà Tiểu thừa chỉ chấp nhận có một Phật trong hiện tại mà thôi, đó chính là đức Phật Thích Ca Mâu-ni lịch sử, ngoài ra không có hai và nhiều hơn nữa, trong khi theo các nhà Đại thừa thì trong hiện tại ngoài đức Phật Thích Ca Mâu-ni ra còn có hằng hà sa số các đức Phật trong mười phương của ba nghìn đại thiên thế giới khác đang tồn tại và đang thuyết pháp, không những chỉ trong hiện tại mà trong quá khứ (Thất Phật) và trong tương lai (Di Lặc Phật) cũng có. Vì những nhận định trên, cho nên theo các nhà Tiểu thừa thì chỉ chấp nhận có một Phật nói pháp mà thôi, còn các nhà Đại thừa thì cho là vô số đức Phật đang thuyết pháp. Tuy nhiên trong các nhà Tiểu thừa vẫn có bộ phái Đại chúng chấp nhận có ba nghìn đại thiên thế giới khác, đồng thời cũng có chư Phật tồn tại nên họ chủ trương “Một cõi có một Phật, nhiều cõi có nhiều Phật”. Ngoài ra còn có ba đời các đức Phật chỉ cho quá khứ trang nghiêm kiếp chi thiên Phật, hiện tại hiều kiếp chi thiên Phật cùng, vị lai tinh tú kiếp chi thiên Phật, cộng ba kiếp lại chúng ta có ba nghìn đức Phật. Những nhận thức của các nhà Đại thừa về Phật thân và Phật độ được căn cứ trên giáo lý Duyên khởi của đức Đạo sư đã dạy và căn cứ vào nghiệp cảm Duyên khởi đến A-lại-da Duyên khởi; từ A-lại-da Duyên khởi cho đến Chân như hay Như lai tạng Duyên khởi và, từ Như lai tạng Duyên khởi đến Pháp giới Duyên khởi để chúng ta thấy rằng: Một cõi Phật hiện hữu được phải nhờ hai, ba, bốn cho đến muôn nghìn cõi Phật hiện hữu; nếu một cõi Phật không hiện hữu thì vô lượng cõi Phật khác cũng không hiện hữu. Cũng thế, một Phật thân hiện hữu thì, vô lượng Phật thân cũng hiện hữu. Đó là lối nhìn Duyên khởi để chúng ta biết pháp Duyên khởi là một pháp đặc trưng có một không hai riêng của Phật giáo, nó quyết định sự hình thành và biến dịch của nhân sinh và vũ trụ theo luật vô thường tác động duyên khởi trùng trùng qua ba nghìn đại thiên thế giới hiển bày trong một sát-na hiện hữu qua biến dịch.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

Video-Phim

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.