Nhị đế là từ được qui kết từ các Thánh đế (āryasatayā) qua nhân quả Khổ-Tập gọi là Tục đế (Skt: Saṃvṛti-satya, Pāli: Sammuti-sacca) hay còn gọi là Thế tục đế, là chỉ cho chân lý nhân quả của thế gian. Theo Nam hải Ký qui nội pháp truyện 4[1] mọi sự việc của thế tục, chúng che khuất chân lý của thế gian nên Tục đế còn gọi là Phú tục đế hay Phú đế. Và nhân quả Diệt-Đạo gọi là Chân đế (Skt: Paramāttha-satya, Pāli: Paramattha-sacca) còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế hay Thắng nghĩa đế, là chân lý nhân quả của xuất thế gian. Vậy Nhị đế đứng về mặt hiện tượng mà xét thì chúng được căn cứ vào nhân quả của Tứ Thánh đế để thành lập, và sự thành lập này chúng tuỳ thuộc vào mặt tướng dụng (sự) sinh khởi và huỷ diệt của các pháp mà chúng được gán cho một tên (danh) để gọi qua ngôn ngữ, tuỳ thuộc vào ý nghĩa thuộc tính của chúng về cả hai mặt tương đối lẫn tuyệt đối. Nhưng ngôn ngữ như đức Phật đã dạy thì cho dù chúng có thể bất lực trước sự diễn tả một thực tại chân lý mà chúng ta muốn nắm bắt chúng, như đoạn kinh văn dưới đây trong kinh Pháp hoa khi đức Phật nói về duyên khởi, nhưng về mặt tương đối thì Nhị đế biểu hiện cho nhân quả thế gian và nhân quả xuất thế gian qua duyên khởi được thiết lập bỡi ngôn ngữ. Theo Kinh Pháp hoa, qua ngòi bút của La-Thập, đã nói rõ về vai trò của định thức duyên khởi ấy như sau: “Chân lý mà đức Phật tự chứng, không thể nói lên bằng ngôn ngữ, nhưng có thể đề mở ra con đường dẫn về nó, sau khi trầm tư về sự chứng ngộ của mình dưới gốc cây Bồ-đề, Phật đã quyết định đến Ba-la-nại, nói về Tứ diệu đế cho năm thầy tỳ-kheo.” Tứ diệu đế được thiết lập trên tương quan của định thức duyên khởi: Khổ và Tập, nhân quả lưu chuyển. Diệt, Đạo, nhân quả hoàn diệt.[2] Tục đế và Chân đế là hai mặt của một thực tại, mà thực tại đó chúng ta muốn đạt đến qua biểu tượng thuộc tính của nó. Một mặt, bản thể được nhận thức là nhờ vào sự hiện hữu của biểu tượng qua ngôn ngữ, và mặt khác biểu tượng khi đã mang danh rồi thì chúng không còn là thực tại như chính chúng hiện khởi qua dòng thời gian đang biến dịch nữa. Ở đây, vì bản thể là một thực tại tuyệt đối, nên thực tại tuyệt đối luôn luôn là bất khả thuyết, nhưng ngay bản chất của ngôn ngữ biểu tượng tương đối cũng là bất khả thuyết, cho nên có một sự tương ứng giữa tiến trình biểu tượng và tiến trình bản thể thực tại, chúng không những không đánh mất tinh thể của ngôn ngữ, mà còn mang lại cho ngôn ngữ một giá trị như là một con đường đi đến tuyệt đối của bản thể.

Vì như Kinh Pháp hoa đã dạy, chân lý không thể nói lên bằng ngôn ngữ, nhưng có thể mở ra một con đường dẫn về nó qua ngôn ngữ biểu tượng là Tứ đế trong lần thuyết giáo đầu tiên của Phật tại vườn nai. Đó chính là con đường Trung đạo vượt thoát, tránh mọi thứ lệ thuộc cực đoan trói buộc trong phiền não sinh tử luân hồi. Con đường Trung đạo chính là con đường giải thoát khổ đau sinh tử. Con đường này chư Phật quá khứ đã từng đi, chư Phật hiện tại đang đi, và chư Phật vị lai sẽ đi.
Biểu tượng thuộc tính Nhị đế, theo kinh luận Tiểu thừa và Đại thừa chủ trương, thì không phải là một.

I. THEO KINH LUẬN TIỂU THỪA.

1. Theo kinh điển Nguyên Thỉ - Tiểu thừa Phật giáo, thì như kinh A-hàm phần lớn chỉ có thuyết về Tứ đế: Khổ -Tập - Diệt - Đạo, rất ít đề cập và luận về Nhị đế. Chỉ có Trung A-hàm 7 phẩm Tương ưng, trong kinh phẩm phân biệt Thánh đế[3] có nhắc đến từ Chân đế chứ không thấy đề cập đến Tục đế, hay trong kinh Tăng Nhất A-hàm 3[4] có nói đến từ Nhị đế, nhưng về nội dung thì không thấy nói đến. Có lẽ những từ Chân đế, Nhị đế được đức Phật đề cập đến trong A-hàm 7, hay trong Tăng Nhất A-hàm 3 trong những ngày đầu, là nền tảng mở đường cho con đường Trung đạo qua Nhị đế cho sự phát triển của các Tông, luận Đại-Tiểu thừa phát triển sau này.
2. Theo tông, luận Tiều thừa, như:
- Câu Xá luận 22[5] thì đưa ra rất nhiều tên gọi về chân tục của Nhị đế trong khi thuyết minh về ý nghĩa của chúng: Về mặt biểu tượng hiện tượng chẳng hạn như cái bình, y phục và mọi vật khác, về ngoại hình tức là biểu tượng hay trạng thái của chúng một lúc nào đó chúng có thể bị huỷ hoại đi, và lúc này chúng ta không còn gọi tên bình, hay y phục của chúng nữa. Vì từ hình thể biểu tượng này chúng bị huỷ hoại biến dịch thành hình thể biểu tượng khác, nên tên gọi của chúng cũng tuỳ thuộc vào biểu tượng hiện tại mà chúng đang mang và phải lệ thuộc vào thuộc tính của chúng. Hay như nước, lửa… nếu chúng ta dùng thắng huệ để phân tích chúng, thì chúng sẽ thành sắc, hương, vị… hay thành những yếu tố khác; khi đã thành những yếu tố khác rồi thì không thể gọi chúng là nước, lửa nữa… mà phải tuỳ thuộc vào yếu tố biểu tượng hiện tại mà có tên gọi khác. Như vậy sự hiện hữu của chúng có được chỉ là một sự hiện hữu giả danh, chúng luôn tùy thuộc vào duyên khởi biến hiện của chính chúng trong một thuộc tính mới mà chúng hiện đang là biểu tượng. Đó là những hiện tượng mà những nhận thức thông thường của thế gian quan niệm, nên gọi chúng là Thế tục đế. Ngược lại, tuy chúng luôn biến dịch hiện khởi, nhưng sắc, hương, vị… này, chúng là yếu tố tồn tại của vạn vật. Cho dù hiện tượng biểu tượng hay trạng thái của chúng có thể nghiền nát thành tro bụi, hay biến thái đến chỗ cùng cực đi chăng nữa, nhưng chúng ta dùng thắng huệ để phân tích chúng thì cái bản chất tồn tại thường hằng của chúng vẫn bất biến. Cho nên chúng được xem như chân lý xuất thế gian của Phật giáo, nên được gọi là Thắng nghĩa đế. Với quan điểm này các nhà Câu xá luận cho rằng trên mặt hiện tượng có thể biến dịch đổi dời và luôn tuỳ thuộc vào những thuộc tính mới xuất hiện qua danh ngôn đặt để, nhưng bản chất một số pháp như sắc, thinh, hương, vị… chúng không bao giờ biến đổi, vì chúng là yếu tố tồn tại của vạn vật, cho nên chúng luôn luôn thực hữu.
- Cũng đồng với quan điểm này, giả danh là một hiện tượng tạm thời, chúng có khả năng thay đồi hiện tượng bất cứ vào lúc nào, theo duyên và chúng luôn tuỳ thuộc vào thuộc tính mới nên chúng thuộc về Tục đế, trong khi bản chất của một số pháp luôn luôn hiện hữu và không bao giờ biến mất, trên cơ bản chính để hình thành các pháp, nên chúng thuộc về Chân đế. Theo phẩm Lập giả danh của Thành thật luận 11[6], thì cho rằng sắc, hương, vị, pháp cùng Niết-bàn đều thuộc về Chân đế; ngược lại do sắc là yếu tố cơ bản để hình thành ra bình, nước…, nhờ nhân duyên hoà hợp, chúng chỉ có giả danh mà không có thật thể, cho nên gọi là Tục đế. Như con người là do ngũ uẩn hoà hợp mà thành, cho nên con người thuộc về Tục đế.
- Các nhà Kinh bộ[7] thì chủ trương không như hai nhà Câu xá và Thành thật luận trên, là phải dựa vào hiện tượng và bản chất của sự vật mà đánh giá chúng là Tục hay là Chân. Trong khi các nhà Kinh bộ thì y vào trí xuất thế gian vô lậu, cùng hậu đắc chánh trí của thế gian chấp nhận đối các pháp nên gọi là Thắng nghĩa đế; ngược lại y vào trí hữu lậu mà chấp nhận đối các pháp, nên gọi là Thế tục đế. Ở đây Chân hay là Tục cũng tuỳ thuộc vào trí hữu lậu hay là vô lậu đối với các pháp mà có một cái nhìn cho quan điểm của họ.
- Cũng vậy, Đại Tỳ-bà-sa luận 77[8] cũng chủ trương bằng những nhận thức thông thường, hay đạo lý được hình thành bỡi những tập tục ước định của thế gian hữu lậu, hay y cứ vào những lý chân thật do kiến giải triệt để của các bậc Thánh trí vô lậu mà hình thành Thế tục đế hay Thắng nghĩa đế. Vì những lý giải về sự vật qua nhận thức thông thường của thế gian, hay đạo lý được hình thành bởi những tập tục ước định của thế gian, là những lý giải tương đối nên chúng thuộc về Thế tục đế; và y vào lý chân thật các kiến giải triệt để của các bậc Thánh trí vô lậu, nên chúng thuộc về Thắng nghĩa đế.
Qua hai quan điểm lấy hiện tượng biến dịch của sư vật và không biến đổi của sự vật mà có những quan điểm về cách chủ trương như của luận Câu xá và luận Thành thật về Nhị đế, đã cho chúng ta một cái nhìn về mặt hiện tượng được thiết lập qua tương quan nhân quả duyên khởi của (Sự) mà thành lập Nhị đế; trong khi các nhà Kinh bộ và các nhà đại Tỳ-bà-sa luận thì lấy lý của Thế tục hữu lậu và, lý của Thánh trí vô lậu mà thành Nhị đế. Ở đây trên lý thuyết có thể có những mâu thuẫn nhau trên lập luận và nhận thức theo sự và lý, nhưng chúng không loại bỏ nhau, vì sự và lý chúng không ở ngoài nhau.
Ngoài ra, sự quan hệ giữa Nhị đế Chân Tục cùng Tứ đế đối với các bộ phái Tiểu thừa trong việc phán pháp cũng rất phức tạp: Như có chủ trương lấy Khổ-Tập làm Tục đế, Diệt-Đạo làm Thắng nghĩa đế; có chủ trương lấy ba đế Khổ-tập-Diệt làm thế Tục đế, lấy Đạo đế làm Thắng nghĩa đế; có chủ trương lấy hết Tứ đế làm Thế tục đế, và lấy không, phi ngã làm Thắng nghĩa đế.
Những chủ trương trên phân chia nhân quả lưu chuyển và hoàn diệt của Tứ đế để thành lập Nhị đế của các nhà Tiểu thừa. Ở đây, như Câu-xá luận chủ trương căn cứ về mặt hiện tượng để nói lên thuộc tính của chúng. Tuy trên mặt hiện tượng biểu tượng có thể bị luật vô thường chi phối, có thế biến đồi và hình thành theo thuộc tính của sự vật mà nó có tên gọi mới. Nhưng dù tên gọi này có thể gọi là giả danh là Thế tục đế đi nữa, mà trên mặt hiện thực bản chất của chúng thì chúng bất biến, luôn luôn hiện hữu, nên chúng thuộc về Thắng nghĩa đế. Trong khi, Thành thật luận lấy các pháp sắc, hương, vị cùng Niết-bàn tức là các pháp hữu vi và vô vi làm Chân đế, vì chính sắc, hương, vị, và Niết-bàn là những yếu tố cơ bản đề hình thành tất cả các pháp qua nhân duyên để chúng hiện hữu, nên các pháp kể trên chúng thuộc về Chân đế, và ngược lại những pháp được các pháp làm yếu tố cơ bản để các pháp đó hiện hữu qua nhân duyên, thì các pháp này được gọi là giả danh không có thật thể. Chúng chỉ mang thuộc tính của các pháp cơ bản trên thôi, và như vậy sự hiện hữu của biểu tượng có được này chúng thuộc về Tục đế, giống như con người do năm uẩn hoà hợp mà thành nên chúng thuộc về Tục đế. Còn, Kinh bộ thì chủ trương lấy sự chấp nhận thuộc trí hữu lậu về các pháp cho là Thế tục đế, và lấy trí vô lậu xuất thế gian, cùng hậu đắc chánh trí thế gian làm Chân đế. Luận Đại Tỳ-ba-sa thì lấy đạo lý ước định tục thành của thế gian, hay mọi sự vật được lý giải thông thường của thế gian cho là Thế tục đế, và lấy lý chân thật, những kiến giải triệt để của các bậc Thánh vô lậu làm Thắng nghĩa đế. Nói chung Tất cả đều y cứ vào pháp hữu lậu chỉ Thế đế và pháp vô lậu chỉ Thắng nghĩa đế để thiết lập Nhị đế, cho dù pháp đó là sự hay là lý, là tục hay là chân, là biểu tượng hay là bản thể, là thế gian hay là xuất thế gian cũng đều được qui về nhân quả của Nhị đế.

II. THEO KINH LUẬN ĐẠI THỪA.

1. Theo kinh điển Đại thừa như:
- Kinh Niết-bàn 13, phẩm Thánh hạnh[9] thì dùng những điều hiểu biết (sở năng tri) của người thế gian làm Thế đế, và lấy những điều hiểu biết chứng ngộ của người xuất thế gian làm Đệ nhất nghĩa đế; hay lấy “Hữu danh hữu thật” (Có danh có thật) làm Đệ nhật nghĩa đế, và “Hữu danh vô thật” (Có danh không thật) làm Tục đế. Như lý của Tứ đế là Đệ nhất nghĩa đế; như sức nóng của bánh xe lửa khi quay, thành càn-thát-bà, lông rùa, sừng thỏ đều là Thế tục đế.
- Trong phẩm Nhị đế, Kinh Nhân vương Bát-nhã quyển thượng[10], đưa ra thuyết “Nhị đế tương tức, chân tục bất nhị” (Hai đế tức một, chân tục chẳng phải hai) là từ đế lý mà nói, thì có riêng chân tục nhị đế; nhưng nếu lấy trí tuệ chân thật mà quán chiếu chúng, thì lý của Nhị đế chẳng phải hai, siêu nhiên tự hiện.
Theo kinh điển Đại thừa như kinh Niết-bàn thuyết, thì đứng về mặt tương đối thì có tục, có chân, có hữu thật, vô thật; chúng là thứ ngôn ngữ biểu tượng cho những thuộc tính mà chúng muốn vương đến. Những biểu tượng này cho dù là giả danh, nhưng chính chúng cũng có bản thể của chính nó, cho dù trên chiều tuyệt đối ngôn ngữ khó bề tiếp cận. Do đó, sự mâu thuẫn ở đây giữa Tục đế và Đệ nhất nghĩa đế dù có mâu thuẫn đến đâu đi nữa trên mặt nhân quả, nhưng trên mặt duyên khởi chúng cần sự mâu thuẫn này để tiếp cận chân lý tuyệt đối. Bỡi vì chúng không đòi hỏi bất cứ sự thành công nào của ngôn ngữ khi diễn giải về chúng, nếu không muốn nói là một thất bại của ngôn ngữ. Vì nếu ngôn ngữ không thất bại trong việc triển khai diễn giải thì chúng đã đánh đi mất bản chất của duyên khởi, và như vậy thì con đường Trung đạo cũng khó mà hiện hữu để đưa đến cảnh giới Niết-bàn tuyệt đối. Do đó Chân Tục bất nhị (chẳng phải hai) của kinh Nhân vương Bát-nhã chính là con đường Trung đạo từ Tục đến Chân qua bất nhị, chúng thể hiện được bản thể duyên khởi nhân quả không hai. Đó chính là con đường đưa đến tuyệt đối mà chúng không tự đánh mất hiện tượng biểu tượng của chúng qua ngôn ngữ.
2. Theo các tông, luận Đại thừa như:
- Theo Pháp tướng tông[11], ngài Khuy Cơ viết trong Đại thừa pháp uyển nghĩa chương 2[12] căn cứ vào bốn loại Thế tục đế trong Du-già-sư-địa luận 64[13], và bốn loại Thắng nghĩa đế trong luận Thành duy thức 9[14] mà quy nạp lại thành “Tứ chân tứ tục” (bốn chân, bốn tục) của bốn loại Nhị đế như sau.
a/ Theo Du-già-sư-địa luận thì ‹cái bình› cùng ‹ngã› cả hai đều không có thật thể tồn tại, nhưng vì phàm phu tình mê nên thấy là thật có, bèn một mặt y chiếu vào kiến giải thế gian giả danh cung cấp cho mà gọi là Thế gian Thế tục đế, hay là ‹Hữu danh vô thật đế› (sự thật về có danh không có thật). Ngược lại, theo Thành duy thức luận thì các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngũ uẩn do nhân duyên sinh ra, tuy chúng sẽ bị băng hoại, nhưng vì có thật thể cùng tác dụng, bậc Thánh có thể y cứ vào hậu đắc trí để có thể biết rõ được, nên gọi là Thế gian Thắng nghĩa đế, hay là ‹Thể dụng hiển hiện đế›. (Sự thật về thể và dụng hiển hiện) Ngài Khuy Cơ đã dùng hai thuyết trên mà qui nạp lại ‹Hữu› và ‹vô› làm thể của Nhị đế, làm thành Nhị đế riêng gọi là Nhị đế ‹danh-sự›. Danh chỉ cho ‹Hữu danh vô thật› (có danh không có thật) như sự hiện hữu của huyễn hoá; Sự chỉ cho ‹Hữu danh hữu thật› (có danh có thật) là sự tồn tại của mọi hiện tượng.
b/ Theo Du-già-sư-địa luận thì đạo lý ngũ uẩn cùng mọi sự xưa nay vốn có sự sai biệt, nên tướng của chúng có thể phán đoán phân biệt được, nên gọi là đạo lý Thế tục đế, hay ‹Tuỳ sự sai biệt đế› (Sự thật về theo việc sai khác). Ngược lại, theo Thành duy thức luận cho rằng lý của Tứ đế tuy có sự sai biệt của nhân quả mê ngộ, nhưng nếu y vào trí vô lậu thì có thể biết rõ, nên gọi là Thắng nghĩa đế đạo lý, hay ‹Nhân quả sai biệt đế› (sự thật về nhân quả sai khác). Ở đây ngài Khuy Cơ y cứ vào ‹sự› và ‹lý› mà thành lập ra Nhị đế riêng gọi là Nhị đế ‹sự-lý›.
c/ Theo Du-già-sư-địa luận thì lý của Từ đế có thể khiến cho người tu hành đi vào Niết-bàn, nhưng cần phải tạm mượn ngôn thuyết để trình bày về sự sai biệt của nhân quả mê ngộ, mới có thể biết rõ tướng của chúng, nên gọi là Chứng đắc Thế tục đế, hay là ‹Phương tiện an lập đế› (sự thật về phương pháp an lâp). Ngược lại, theo Thành duy thức luận thì cho rằng, hai cái không chân như của ‹Ngã không› cùng ‹pháp không› cần phải nhờ trí tuệ của bậc Thánh quán chiếu mới có thể hiển hiện lý chân thật của chúng, ngoài ra phàm phu không thể nào có thể biết rõ được, nên gọi là Chứng đắc Thắng nghĩa đế, hay là ‹Y môn hiển thật đế› (sự thật về nương vào cửa mà hiển hiện thật). Ở đây, ngài Khuy Cơ y cứ vào chỗ ‹cạn› và ‹sâu› của đạo lý mà thiết lập ra Nhị đế riêng gọi là Nhị đế thiển-thâm (cạn-sâu).
d/ Theo Du-già-sư-địa luận thì Chân như nhị không siêu việt tất cả pháp hữu vi, rất ít do trí tuệ các bậc Thánh chứng biết, nên tạm mượn tên Nhị không, mà dùng ngôn ngữ để thể hiện sự giải thích rõ ràng về đạo lý của chúng, nên gọi là Thắng nghĩa Thế tục đế, hay là ‹Giả danh phi an lập đế› (sự thật về giả danh chẳng cần phải thiết lập an vị). Ngược lại, theo Thành duy thức luận thì cho rằng “Nhất chân pháp giới”[15] của phi an lập (chẳng cần phải an lập), chỉ cần siêu việt cảnh giới tuyệt đối của ngôn ngữ tư duy, thì sẽ đạt đến chỗ chứng ngộ trí vô phân biệt căn bản của bậc Thánh, nên gọi là thắng nghĩa Thắng nghĩa đế, hay là ‹Phế thuyên đàm chỉ đế› (sự thật về bỏ giải thích, bàn về yếu chỉ). Ở đây, ngài Khuy Cơ y cứ vào “Ngôn thuyên” (lời giải thích) cùng ‹Siêu ngôn thuyên› (vượt lên trên lời giải thích), mà thiết lập Nhị đế riêng gọi là Nhị đế Thuyên-chỉ (giải thích, yếu chỉ‹im lặng›).
Thế gian Thế tục đế trong bốn Thế tục đế là “Duy tục phi chân” (chỉ có tục không có chân); và thắng nghĩa Thắng nghĩa đế trong bốn Thắng nghĩa đế là “Duy chân phi tục” (chỉ có chân không có tục). Còn ba Thế tục đế, ba Thắng nghĩa đế khác kia cũng giống như vậy, chỉ do từ hai mặt của chân tục mà quán, nên có chỗ sai biệt.
Một sự kết hợp trong Đại thừa Pháp uyển nghĩa chương, ngài Khuy Cơ đã cho ra bốn chủng loại Nhị đế qua biểu tượng ngôn ngữ tên gọi mang những thuộc tính của chính nó trong việc đánh giá hổ tương duyên khởi nhân quả qua việc lập danh, đã mang lại cho Nhị đế một cách nhìn khác, qua ngôn ngữ chúng trở thành những biểu tượng của hiện tượng khác ngang qua thuộc tính của chính nó, theo đó chúng có được những giá trị nào đó trên đường hướng về tuyệt đối, mà chúng như là những đối tượng được nhận thức qua ngôn ngữ biểu tượng, ngoài những ngôn ngữ tên gọi và thuộc tính của Du-già sư-địa luận và Thành duy thức luận. Sự hình thành tứ trùng Nhị đế (bốn lớp hai sự thật) này do sự kết hợp bốn chủng loại thế gian Thế tục đế trong Du-già-sư-địa luận và bốn chủng loại thế gian Thắng nghĩa đế trong Thành duy thức luận để cho ra bốn chủng loại Nhị đế gọi là: “Danh sự Nhị đế, Sự lý Nhị đế, Thâm thiển Nhị đế, Thuyên chỉ Nhị đế” của Thế gian. Như vậy ở đây ngài Khuy Cơ chỉ căn cứ vào tục-chân của Thế gian để thiết lập Nhị đế chứ không căn cứ vào xuất thế gian để thiết lập Nhị đế.

- Lớp thứ nhất danh sự Nhị đế, ngài Khuy Cơ dùng “Hữu, vô” để thiết lập thể của Nhị đế. Danh ở đây chỉ cho nghĩa “hữu danh vô thật” (có danh không thật). Theo Du-già-sư-địa luận thì mọi sự vật được hiện hữu nhờ vào tên đặt cho chúng, như cái nhà, cái bình, ngã, hữu tình v.v…, và tên đặt này luôn tuỳ thuộc vào nhân duyên mà có sự hiện hữu, do đó chúng không có thật thể, chúng chỉ là một giả danh mà thôi, nên chúng có được chỉ là một tên giả đặt, nên chúng được gọi là thế gian Thế tục đế (hay hữu danh vô thật đế) (sự thật về có danh không có thật), chúng thuộc vào vế thứ nhất của Nhị đế. Đối lại thể “Danh” là ‹Sự›, tức chỉ cho nghĩa “Hữu danh hữu thật” (có danh có thật). Theo Thành duy thức luận thì các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức của năm uẩn do nhân duyên sinh khởi, tuy chúng sẽ bị băng hoại biến đổi trên mặt hiện tượng được gọi là thế gian, nhưng mọi sự vật này đều có thực thể và được hiện hữu qua tác dụng nhờ vào hậu đắc trí của các bậc Thánh giả để có thể biết được nên chúng được gọi là thế gian Thắng nghĩa đế (hay còn gọi là Thế dụng hiển hiện đế) (sự thật về thể dụng hiển hiện), chúng thuộc vào vế thứ hai của trùng thứ nhất. Sự kết hợp giữa thế gian Thế tục đế và thế gian Thắng nghĩa đế của “Hữu danh vô thật” Địa luận và “Hữu danh hữu thật” của Thành duy thức luận. Ngài Khuy Cơ căn cứ vào mặt hiện tượng hiện hữu của mọi sự vật qua tên gọi; nhưng những tên gọi này chúng có danh mà không có thực thể, vì sự hiện hữu của chúng có được là nhờ vào nhân duyên giả hợp, nên chúng chỉ mang một cái tên giả tạm để phân biệt với những tên khác cùng lúc hiện hữu với chúng qua nhân duyên. Do đó muốn đạt được bản thể của những hiện tượng qua tên gọi giả danh này, thì theo ngài Khuy Cơ là cần phải vay mượn chủ trương “Hữu danh hữu thật” (có danh có thật) của Thành duy thức luận để thành lập vế thứ hai cho Nhị đế, như trên đã nói qua hậu đắc trí của các bậc Thánh trong việc thông đạt và liễu tri chúng. Đây là biện chứng pháp lớp thứ nhất từ tục qua chân của Nhị đế.
- Lớp thứ hai sự lý Nhị đế, ngài Khuy Cơ dùng đạo lý Thế tục đế (hay tuỳ sự sai biệt đế) (Sự thật về tuỳ theo việc sai khác) của Du-già sư-địa luận làm “sự”, vì theo các nhà Du-già-sư-địa luận chủ trương đạo lý xưa nay của năm uẩn cùng mọi sự vật, chúng vốn có sự sai biệt trên mặt hiện tượng, cho nên chúng ta có thể căn cứ vào tướng của chúng mà định danh phân biệt. Đây là vế thứ nhất của lớp thứ hai Nhị đế. Ngược lại “sự” là “lý”, ngài Khuy Cơ dùng đạo lý Thắng nghĩa đế (hay nhân quả sai biệt đế) (sự thật về nhân quả sai khác nhau) của Thành duy thức luận làm ‹lý›, vì theo các nhà Thành duy thức luận thì lý Tứ đế tuy có sự sai biệt giữa nhân quả mê ngộ, nhưng nếu căn cứ vào trí vô lậu thì có thể hiểu biết rõ ràng. Đây là vế thứ hai của lớp thứ hai Nhị đế theo chủ trương của Ngài Khuy cơ dựa vào nhân quả sự-lý tục-chân của Du-già-sư-địa luận và Thành duy thức luận mà thành lập lớp thứ hai lý sự Nhị đế của mình. Theo ngài Khuy Cơ dù trên mặt hiện tượng ‹sự› bị chi phối bởi mọi hiện tướng sai biệt của con người cùng sự vật theo đạo lý Thế tục đế của các nhà Du-già-sư-địa luận, nhưng về mặt lý thì vẫn khó tiếp cận cho dù nhân quả mê ngộ của lý Tứ đế có sự sai biệt, song vẫn phải y cứ vào trí vô lậu của đạo lý Thắng nghĩa đế của Thành thật luận mới có khả năng nhận thức rõ ràng về chúng. Đây là biện chứng pháp lớp thứ hai từ tục qua chân của Nhị đế.
- Lớp thứ ba thiển thâm (cạn, sâu) Nhị đế, ngài Khuy Cơ dùng chứng đắc Thế tục đế (hay phương tiện an lập đế) (sự thật về phương pháp thiết lập an vị) của Du-già-sư-địa luận làm “thiển” (cạn), vì theo các nhà Du-già-sư-địa luận chủ trương thì lý của Tứ đế có khả năng khiến cho hành giả tu hành có thể thâm nhập vào Niết-bàn, qua cách vay mượn ngôn ngữ, dùng đế thuyết minh về sự sai biệt của nhân quả mê ngộ, thì mới có thể biết rõ được tướng của chúng, nếu không nhờ chúng thì chúng ta khó mà thâm nhập. Đây là vế thứ nhất của lớp thứ ba Nhị đế. Ngược lại “thiển” (cạn) là “thâm” (sâu), ngài Khuy Cơ dùng chứng đắc Thắng nghĩa đế (hay y môn hiển thật đế) (sự thật về y cửa hiển hiện thật) của Thành duy thức luận làm “thâm” (sâu), vì theo các nhà Thành duy thức luận thì hai cái không chân như của “nhơn không” cùng “pháp không”, muốn lý chân thật của chúng hiển hiện thật sự thì cần phải nhờ đến trí tuệ quán chiếu của các bậc Thánh giả thì mới có khả năng, còn không thì đối với những kẻ phàm phu như chúng ta thì không thể nào nhận thức rõ ràng được. Đây là vế thứ hai của lớp thứ ba Nhị đế theo chủ trương của ngài Khuy Cơ dựa vào chỗ thâm nhập cạn sâu của Du-già-sư-địa luận và Thành duy thức luận mà thành lập lớp thứ ba thiển thâm (cạn sâu) Nhị đế của mình. Theo ngài Khuy Cơ lý Tứ đế có khả năng khiến cho người thực hành thông đạt Niết-bàn, nhưng cần phải vay mượn ngôn ngữ và lời nói để nói rõ về sự sai biệt của nhân quả mê ngộ thì chúng ta mới có thể nhận rõ ra được bộ mặt sai biệt qua hiện tượng của chúng nhờ vào chứng đắc Thế tục đế của Du-già-sư-địa luận, nhưng còn Chân như của hai không “nhơn không” và “pháp không” khó mà đạt được qua việc vay mượn vào ngôn thuyết, mà phải nhờ vào trí tuệ quán chiếu của các bậc Thánh mới có thể làm hiển hiện lý chân thật của chúng qua chứng đắc Thắng nghĩa đế của Thành thật luận. Đây là biện chứng pháp lớp thứ ba từ cạn ‹tục› qua sâu “chân” Nhị đế của ngài Khuy Cơ.
- Lớp thứ tư thuyên chỉ (giải thích, yếu chỉ) Nhị đế, ngài Khuy Cơ dùng thắng nghĩa Thế tục đế (hay giả danh phi an lập đế) (sự thật về giả danh chẳng cần thiết lập an vị) của Du-già-sư-địa luận làm “thuyên” (giải thích), vì theo các nhà Du-già-sư-địa luận thì hai cái không chân như siêu việt khỏi tất cả các pháp hữu vi, chỉ có một ít trí tuệ Thánh giả chứng biết mà thôi, nên chúng ta cần phải vay mượn tên của hai cái không mà dùng ngôn ngữ biểu trưng để giải thích (biểu thuyên) đạo lý của chúng. Đây là vế thứ nhất của lớp thứ tư Nhị đế. Ngược lại “thuyên” là “chỉ”:, ngài Khuy Cơ dùng thắng nghĩa Thắng nghĩa đế (hay phế thuyên đàm chỉ đế) (sự thật về bỏ giải thích, bàn nói yếu tính) của Thành duy thức luận làm “chỉ” (yếu tính), vì theo các nhà Thành duy thức luận thì Nhất chân pháp giới không cần an lập nó, vì nó là cảnh giới tuyệt đối vượt ra ngoài ngôn ngữ tư duy, là nơi của trí căn bản vô phân biệt chứng ngộ. Đây là vế thứ hai của lớp thứ tư Nhị đế, theo chủ trương của ngài Khuy Cơ dựa vào tương đối qua việc vay mượn ngôn thuyết tên gọi của nhị không “nhơn không” và “pháp không” của Du-già-sư-địa luận và mặt tuyệt đối của của nhị không là cảnh giới siêu việt ngôn ngữ tư duy của Thành duy thức luận mà thành lập lớp thứ tư thuyên chỉ Nhị đế của mình. Đây là biện chứng pháp lớp thứ tư của nhị đế từ tục qua chân.
- Theo chủ thuyết của Địa luận tông[16] thì như Đại thừa nghĩa chương q.1, ngài Tuệ Viễn[17] phán lập ra bốn tông: Lập tánh tông, Phá tánh tông, Phá tướng tông, Hiển thật tông đề thuyết minh về nghĩa sâu cạn không đồng của Nhị đế như sau:
a/ Lập tánh tông, là nghiên cứu về Tỳ đàm tông[18] giáo thuyết của Hữu bộ. Tỳ-đàm tông chủ trương sự lý tương đối, dùng sự làm Thế đế, dùng lý làm Chân đế. Như ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, mọi sự chướng ngại nhau, làm Thế đế; vô thường, các khổ, mười sáu Thánh đế tương thông tất cả là Chân đế. Tông này dùng sự lý tương đối để lập giáo thuyết của họ, cho nên còn gọi là Nhân duyên tông thuộc chủ thuyết các căn cơ thấp (thiển) của các nhà Tiểu thừa. Ngài Tuệ Viễn y cứ vào giáo thuyết Tỳ-đàm tông “sự lý” tương đối của Hữu bộ[19] làm Thế đế và Chân đế. Sự chỉ cho các pháp hữu vi có hình tướng có chướng ngại với nhau, như sự hiện hữu của con người (ngũ uẩn), con người và đối tượng chung quanh cuộc sống con người (thập nhị xứ), nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người (thập bát giới), chúng chướng ngại nhau, mâu thuẫn sai biệt nhau qua từng biểu tượng tuỳ theo thuộc tính của chúng. Lý chỉ cho các pháp vô vi tương thông với mọi giá trị nhân quả duyên khởi của vô thường, khổ thuộc mười sáu Thánh đế. Đây là thuyết tương đối qua sự lý Nhị đế căn cơ thấp (thiển, cạn) của các nhà Tiểu thừa.
b/ Phá tánh tông, chỉ cho Thành thật luận. Tông này lấy “Giả hữu của nhân duyên sinh” (giả có của nhân duyên sinh khởi) làm Thế đế, lấy “Không của vô tự tánh” (không của không có tự tánh) làm chân đế, còn gọi là Giả danh tông, thuộc chủ thuyết thuộc căn cơ cao (thâm) của các nhà Tiểu thừa. Ngài Tuệ Viễn y cứ vào mọi hiện tượng hiện hữu của nhân duyên sinh khởi có được cho là giả hữu, vì chúng chỉ hiện hữu được do nhân duyên sinh khởi, nên sự hiện hữu của chúng không thật có, mà chúng là giả có. Sự giả có này được gọi là Thế đế. Và lấy không của không tự tánh làm Chân đế, vì sự hiện hữu của các pháp do nhân duyên sinh nên tánh của chúng là không, không có tự tánh. Ở đây “Giả hữu của duyên sinh›, cùng ‹không của vô tự tánh” chúng cũng thuộc vào hệ thống nhân quả sự lý tương đối của tục-chân Nhị đế thuộc căn cơ cao của Tiểu thừa.
c/ Phá tướng tông, chỉ cho Tam luận tông[20]. Tông này lấy ‹Hữu của tướng vọng tất cả các pháp› làm Thế đế, lấy ‹Không của vô tướng› làm chân đế, còn gọi là bất chân tông (tông chẳng phải chân), thuộc chủ thuyết căn cơ thấp của các nhà Đại thừa. Sự hiện hữu của tất cả các pháp được hình thành qua biểu tượng đều thuộc tướng vọng. Tướng vọng này có được cũng từ nhân duyên sinh, do đó chúng thuộc về giả tướng, hay là giả danh theo thuộc tính của chính nó qua duyên khởi. Vì chúng hiện hữu như vậy, nên sự hiện hữu này thuộc về Thế đế, không thật có mà chỉ có trong vọng tưởng, chúng như sương mai, như điện chớp, như giấc mộng. Từ sự hiện hữu như vọng tưởng của các pháp qua duyên khởi, chúng như là thật có đối với các tâm hồn mê mờ, trong khi bản chất của chính chúng là không vì chúng không có thực thể, là không tướng của giả hợp do nhân duyên hình thành, và sẽ biến chuyển khi duyên không còn đủ, và cứ như thế chúng kết hợp chúng tan rã tuỳ thuộc vào duyên đủ “không của vô tướng” mà ngài Tuệ Viễn dùng làm Chân đế cho chủ trương của mình về Nhị đế. Ở Tục đế và Chân đế vẫn được coi như là một sự kết hợp của tương đối của chủ thuyết thuộc căn cơ thấp của các nhà Đại thừa.
d/ Hiển thật tông, chỉ cho tông Địa luận của Tuệ Viễn, yếu chỉ của chúng có thể phân ra làm hai nghĩa Y trì và Duyên khởi. Theo nghĩa Y trì mà nói thì dùng pháp tướng vọng làm năng y, nên lấy vọng hữu (vọng có), lý vô (lý không) làm Thế đế, dùng chân như làm sở y, tướng của chúng tuy không nhưng vẫn tồn tại thật thể, nên lấy làm chân đế. Theo nghĩa duyên khởi mà nói thì tự thể của Chân như tức là Chân đế, chúng y cứ vào duyên khởi mà hiển hiện thế giới mê ngộ nên gọi là Thế đế. Vì Tông này nói rõ về thể của Chân như, nên gọi là Chân tông, thuộc chủ thuyết căn cơ sâu trong Đại thừa. Đây chính là tông Địa luận của ngài Tuệ Viễn được y cứ vào hai nghĩa y trì và duyên khởi mà thiết lập Nhị đế. Ở đây y trì dùng tướng vọng của các pháp làm năng y, lấy vọng hữu, lý vô làm Thế đế, và tướng vọng của các pháp tuy là không, trên mặt hiện tượng qua giả hợp, nhưng thật thể của chúng vẫn tồn tại, nên lấy chúng làm Chân đế; còn đối với nghĩa duyên khởi thì tự thể của chân như tức là Chân đế. Từ tự thể này chúng y cứ vào duyên khởi mà hiện khởi ra mọi sai biệt trên tướng mê ngộ ở giữa thế gian này qua nhân quả trong hiện tướng, nên lấy chúng làm Thế đế. Qua hai nghĩa của y trì và duyên khởi cho ra hai cặp Nhị đế, chúng vẫn căn cứ vào sự hiện khởi tương đối của các pháp mà thiết lập Nhị đế của Hiển thật tông theo chủ thuyết căn cơ cao của các nhà Đại thừa.
- Theo Pháp hoa Huyền nghĩa q. 2[21] của Trí Khải Đại sư[22] Thiên thai tông[23] chủ trương trong Hoá pháp Tứ giáo[24] và ba loại liên hệ nhau[25] mà phán lập ra bảy loại Nhị đế như sau:
a/ Nhị đế của Tạng giáo[26], lấy các pháp là pháp thật có của các pháp thật sinh thật diệt làm Tục đế, và lấy pháp thật có này sau khi diệt rồi qui về lý không-vô làm Chân đế. Chúng thuộc về chủ thuyết của Tiểu thừa giáo, còn gọi là Nhị đế sinh-diệt. Đây chính là quan điểm Nhị đế thuộc Tạng giáo của các nhà Tiểu thừa, căn cứ vào nhân quả duyên khởi để thiết lập Chân Tục Nhị đế qua sinh-diệt.
b/ Nhị đế của Thông giáo[27], lấy “Các pháp là pháp huyễn có do nhân duyên sinh.” làm Tục đế, và lấy “Vì chẳng phải thật có, nên tức không.” làm Chân đế. Đây là chủ thuyết chung cho cả ba giáo Thinh văn, Duyên giác, và Bồ-tát, còn gọi là Nhị đế vô sinh.
c/ Nhị đế của Biệt giáo[28] liên hệ Thông giáo, lấy “Các pháp là huyễn có” làm Tục đế, lấy “Huyễn hữu tức không, bất không.” (huyễn có tức không, chẳng phải không) làm Chân đế. Đây là Nhị đế chủ thuyết chung cho cả biệt giáo và thông giáo, còn gọi là Nhị đế hàm trung (bao hàm cả trung đạo), hay Nhị đế đơn Tục phức Chân (một tục hai chân).
d/ Nhị đế của Viên giáo[29] liên hệ Thông giáo, lấy ‹Các pháp là huyễn có› làm Tục đế, lấy “Huyễn có tức không mà chẳng phải không, các pháp về không mà chẳng phải không” làm Chân đế. Đây là chủ thuyết Nhị đế cho cả Viên giáo và Thông giáo, cùng Nhị đế biệt giáo cho cả Thông giáo cùng gọi là Nhị đế hàm trung (bao hàm cả trung đạo).
e/ Nhị đế của Biệt giáo, lấy ‹Huyễn có, huyễn có tức không› làm Tục đế, lấy “Bình đẳng pháp giới của chẳng phải có, chẳng phải không” làm Chân đế. Đây là Nhị đế của giáo thuyết dành riêng cho Bồ-tát Đại thừa, còn gọi là Nhị đế phức Tục đơn trung (hai tục, một trung đạo), hay Nhị đế vô lượng.
g/ Nhị đế của Viên giáo liện hệ với Biệt giáo, lấy “Huyễn có, huyễn có tức không” làm Tục đế, và lấy “chẳng phải có, chẳng phải không, các pháp hướng vào chẳng phải có, chẳng phải không” làm Chân đế. Đây là chủ trương Nhị đế của Viên giáo liện hệ với Biệt giáo, cùng Nhị đế Biệt giáo đồng gọi là Nhị đế phức tục đơn trung (hai tục, một trung đạo).
h/ Nhị đế của Viên giáo, lấy “Huyễn có, huyễn có tức không” làm Tục đế, lấy “Các pháp hướng vào có, hướng vào không, hướng vào chẳng phải có chẳng phải không” làm Chân đế. Hay ngoài hữu-không, lập riêng Trung đạo, ba đế Hữu-không-trung đạo riêng nhau, làm Tục đế; không thiên về Hữu-không-trung đạo, ba đế tương tức, viên dung vô ngại, là chân đế. Đó là Nhị đế của Viên giáo Thiên thai, còn gọi là Nhị đế vô tác, Nhị đế hoà hợp, Nhị đế bất khả tư nghị. Nhị đế chân tục kia, hỗ tương làm một thể, viên dung bất nhị, thề của nó là Trung đạo.
Ý nghĩa Nhị đế theo Mạt pháp đăng minh ký chuyên dụng[30] gọi Phật pháp là Chân đế, Vương pháp là Tục đế. Tịnh độ Chân tông[31] của Nhật bản cũng noi theo thuyết này cho rằng về mặt tín ngưỡng tôn giáo là Chân đế, về đạo đức thế gian là Tục đế.
- Theo Tam luận tông của ngài Cát Tạng cho rằng, từ khi Thành thật luận và Trung luận được triển khai giảng giải, thì nhất là Nhị đế rất được bàn luận và nghiên cứu một cách nghiêm túc và thịnh hành. Trong chương Nhị đế quyển hạ[32] ngài Cát Tạng đã tường thuật về mười bốn tác gia từ xưa tới nay nói về thể của Nhị đế. Trong sự sai biệt này, được Ngài tóm thâu và chia ra làm 3 khuynh hướng chủ trương theo những thuộc tính cách nhìn của từng khuynh hướng một. a/ Thể của Nhị đế là một, b/ Thể của Nhị đế khác nhau, c/ Thể của Nhị đế là Trung đạo. Cũng trong chương Nhị đế, Cát Tạng dẫn xuất từ Đại thừa huyền luận q.1[33], chủ thuyết “Nhị đế Ư-giáo” cùng “Nhị đế tứ trùng” (Nhị đế bốn lớp) dùng để tóm thâu các giáo thuyết của Nhị đế.
- Nhị đế Ư-giáo, tức chỉ cho “Ư chi Nhị đế” (hai sự thật nói về nơi nương tựa) tức là ư đế cùng với “Giáo chi Nhị đế” (hai sự thât nói về nương tựa) tức chỉ cho giáo đế. Nói một cách dễ hiểu hơn thì:
a/ “Ư” có nghĩa là chỉ cho chỗ nương vào (sở y), là đối tượng để chư Phật nói pháp, tức chỉ cho cảnh giới lục trần, là cảnh giới hiện thực trước mặt chúng ta. Sắc hình cùng cảnh giới lục trần, phàm phu thấy chúng, nhìn kỹ là cho là có thực, nên gọi là “ư Tục đế”; nhưng đối với bậc Thánh thì xét soi rõ biết chúng là không nên gọi là “ư Chân đế”. Ư đế lại phân làm hai loại bổn-mạt (gốc, ngọn) thời gian chư Phật chưa xuất hiện trở về trước thì “bồn” này tức tồn tại, chư Phật y vào đó mà tuyên thuyết giáo pháp, đó chính là “sở y ư đế” (bổn); thời gian nghe chư Phật thuyết pháp, mà chúng sanh được lý giải, đó là “mê giáo ư đế” (mạt).
b/ “Giáo” có nghĩa là nương tựa (năng y), chỉ cho chư Phật y vào cảnh giới lục trần nói ra giáo pháp. Giáo thuyết chân không diệu hữu, gọi là “Giáo tục đế”; tuyên thuyết lý vô sở đắc siêu việt ngôn ngữ tư tưởng tư duy, gọi là ‹Giáo chân đế›. Ở đây, nếu hiệp hai loại bổn-mạt ‹Ư Nhị đế› ghi trên cùng ‹Giáo chi Nhị đế› lại thì có ba loại Nhị đế.
- Tứ trùng Nhị đế (bốn lớp Nhị đế), được ngài Cát Tạng rút ra từ các chủ trương của các nhà Tỳ-đàm, các nhà Thành thật luận, các nhà Đại thừa Địa luận tông, cùng của các nhà Đại thừa Nhiếp luận. Hai chủ trương trên là chủ trương của các nhà Tiểu thừa, còn hai chủ trương dưới là của các nhà Đại thừa, sau đây là Tứ trùng (bốn lớp) Nhị đế được khai triển qua biện chứng pháp vô thường duyên khởi theo dạng từ thấp lên cao; từ nhân quả đến duyên khởi; từ tiểu lên đại; từ hữu đến không của sự và lý; từ có không đến chẳng có chẳng không; từ có không, chẳng có chẳng không đến chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải chẳng có chẳng phải chẳng không; từ hai, chẳng hai, chẳng phải hai chẳng phải chẳng hai đến ngôn ngữ tiêu mất suy nghĩ dứt luôn (ngôn vọng lự tuyệt):
a/ Lớp thứ nhất Nhị đế của các nhà Tỳ đàm chủ trương, lấy “Hữu” (có) tức “sự” làm Tục đế, lấy “không” tức “lý” làm Chân đế. Các nhà Tỳ-đàm dùng sự-lý, hữu-không của đạo lý nhân quả thế gian mà thành lập Tục đế và Chân đế, theo biểu tượng và thuộc tính của chúng để cho ra Nhị đế tục chân. Ở đây chỉ sử dụng có hữu của tục và không của chân để thiết lập Nhị đế nên chúng được gọi là một lớp (nhất trùng) Nhị đế.
b/ Lớp thứ hai Nhị đế của các nhà Thành thật luận chủ trương, lấy “Hữu-không” làm Tục đế, lấy “chẳng phải có chẳng phải không” làm Chân đế. Ở đây, ngoài hữu của tục đế còn thêm không, và được gọi là hữu-không của tục đế làm vế thứ nhất, và vế thứ hai phủ nhận hữu-không của vế thứ nhất để cho ra chẳng phải có chẳng phải không làm chân đế của vế thứ hai. Chủ trương này của các nhà Thành thật luận Tiểu thừa cũng đứng trên mặt hiện tượng tương đối nhân quả mà thành lập theo sự hiện khởi của mọi vật và sự huỷ diệt của chúng mà chấp nhận cả có lẫn không trên mặt nhận thức về hiện tượng tương đối thế gian thuộc tục đế, nên được gọi là hai lớp (nhị trùng) Nhị đế.
c/ Lớp thứ ba Nhị đế của các nhà Đại thừa Địa luận tông chủ trương, lấy “Hữu-không, chẳng phải có chẳng phải không” của nhị[34] (hai), bất nhị (chẳng hai) làm Tục đế, lấy “chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải chẳng có chẳng phải chẳng không” của phi nhị (chẳng phải hai, chẳng phải chẳng hai), làm Chân đế. Đây là chủ trương của các nhà Đại thừa Địa luận tông, họ chấp nhận hai sự kiện vừa có vừa không, và thiết lập hai sự kiện vừa chẳng phải có (tức là không) vừa chẳng phải chẳng không (tức là có) để thiết lập Tục đế và, đối lại với vế trên bằng cách phủ định hai sự kiện vừa chẳng phải có (tức không, mặt trái của phủ định là xác định) vừa chẳng phải không (tức là có, mặt trái của phủ định là xác định), vừa chẳng phải chẳng có (tức là chấp nhận không) vừa chẳng phải chẳng không (chấp nhận có) để thiết lập Chân đế. Đây là một cách luận lý vừa phủ định cái này để xác định cái kia theo dạng nhân quả duyên khởi để thành lập biện chứng pháp trên con đường tiến về tuyệt đối của các nhà Đại thừa Địa luận tông trong việc thiếp lập theo ba lớp (tam trùng) Nhị đế.
d/ Lớp thư tư Nhị đế của các nhà Đại thừa Nhiếp luận chủ trương, lấy ba lớp (tam trùng) trước làm Tục đế, và lấy “Ngôn vọng lự tuyệt” (ngôn ngữ tiêu mất suy nghĩ dứt luôn) thuộc cảnh giới tuyệt đối làm Chân đế. Đây là lớp thứ tư (tứ trùng) Nhị đế của các nhà Đại thừa Nhiếp luận, họ căn cứ vào ba lớp Nhị đế trước làm tục đế. Ở đây, nếu dùng ba lớp trước làm tục đế tức là chấp nhận đạo lý nhân quả duyên khởi tương đối của ba trùng trước, như là một biện chứng pháp đưa đến ngôn ngữ tiêu mất suy nghĩ dứt luôn (ngôn vọng lự tuyệt) thuộc cảnh giới tuyệt đối mà ngôn ngữ không thể nào với tới được như họ đã chủ trương. Vậy làm sao có thể nhận thức và thâm nhập được vào cảnh giới tuyệt đối đó bằng ba lớp trên, trong khi ngôn ngữ và tư duy đều bị cắt đứt?
- Nhưng theo phẩm quán Tứ đế Trung luận 4[35] thuyết thì, tất cả mọi sự vật không có bản tính nhất định bất biến, nó là Không của không sinh không diệt; nếu chúng ta nhận thức nắm bắt một cách rõ ràng lý Không này, thì chính nó là Đệ nhất nghĩa đế, vì lý không này theo ngài nó không liên hệ gì đến Nhị đế như các nhà Tiểu thừa và Đại thừa chủ trương, và theo ngài nếu có thể quan niệm được thì Nhị đế tương đối, hoàn toàn thuộc về Tục đế, còn đệ nhất nghĩa đế vượt ra ngoài Tục đế, nó chính là tánh không. Hơn nữa tánh không của tất cả mọi sự vật, vì muốn bảo trì tác dụng của tánh không trên mặt hiện tượng của mọi sự vật thì cần phải tạm mượn mọi sự liên hệ cùng nương vào nhau, cùng đối đãi với nhau để thể hiện qua nhân duyên của chính chúng mà sản sinh ra nhận thức tác dụng; khi biết rõ được pháp giả danh tạm mượn này, thì nó chính là Thế tục đế (Samvṛti). Thế tục đế tuy là pháp không có cứu cánh, nhưng có thể mượn nó làm phương tiện tham cứu, mà tiếp cận Thắng nghĩa đế. Ví như ngôn ngữ, tư tưởng, quan niệm của chúng ta đều thuộc về Thế tục đế, song nếu không mượn ngôn ngữ, tư tưởng, quan niệm của Thế tục đế, thì Thắng nghĩa đế chúng ta sẽ không với tới được, và sẽ không giải thoát siêu việt được Thế tục đế. Không có pháp để hiểu được Đệ nhất nghĩa đế (Paramārtha), thì sẽ không có pháp để chứng đắc Niết-bàn được. Do đó, theo ngài trước hết, cần phải làm sáng tỏ Pháp không (Dharmaśùnyatà), qua chủ trương mọi vật đều không (sarvaṃ śūnyam) như đức Phật đã từng dạy: “Mọi vật đều vô thường, mọi vật đều vô ngã,” như trong ba pháp ấn, chúng không có tự tính, nên các pháp hiện hữu có được là do duyên sinh, ngay cả Tứ đế cũng chỉ là một hiện hữu do duyên, nên chúng cũng không thật hữu, chỉ là sự hiện hữu giả danh; và sau đó mới hiểu thấu được tại sao hai vế của Nhị đế thuộc về tục đế mà không liên hệ gì đến chân đế?. Ngài không phủ nhận Nhị đế mặc dù ngài đã liệt nó vào hàng Tục đế trên phương diện mê. Song không thể không chấp nhận giáo lý này trên cái nhìn của bậc Thánh, vì giữa sanh tử và Niết-bàn không có sự sai khác. Vì khi mê Nó là tục, khi ngộ Nó là chơn; chỉ khác nhau ở chỗ mê nó và ngộ nó, như bài kệ ngài viết :
“Nếu chẳng y Tục đế
Chẳng được Đệ nhất nghĩa
Không được Đệ nhất nghĩa
Thời không đạt Niết-bàn”
[36][20].
- Ở đây, có sự sai biệt nhau trên bình diện mê, nên có Tục đế-Đệ nhất nghĩa đế-Niết bàn. Nhưng khi ngộ thì chính ba cái sai biệt đó không khác nhau. Vì những lý do đó cho nên ngài Long Thọ không phủ nhận giáo lý Nhị đế trong quan điểm của mình, và chỉ coi nó như là một phương tiện cần cho giai đoạn chuyển mê khai ngộ. Theo ngài, nếu không nhờ những ngôn thuyết của Tục đế thời Đệ nhất nghĩa không nói được, và nếu không đạt được Đệ nhất nghĩa thì làm sao chúng ta có thể đạt được Niết bàn? Vì vậy, nó được coi như là một phương tiện chuyên chở cho sự thành công của một cứu cánh. Nhưng khi cứu cánh đã đạt được, và nó nhìn lại chính nó, thì chính nó là phương tiện chứ không gì khác. Từ những lập luận này cho chúng ta thấy rằng: quan điểm Sūnyatā của ngài Long Thọ không phủ nhận giáo lý Nhị đế. Quan điểm của ngài Long Thọ này cũng đồng quan điểm của đức Phật trong kinh Pháp Hoa, TT. Tuệ Sỹ trong Triết học về tánh không tr. 29 đã viết và trích dẫn: “Kinh Pháp hoa, qua ngòi bút của La-Thập, đã nói rõ về vai trò của định thức duyên khởi ấy như sau: “Chân lý mà đức Phật tự chứng, không thể nói lên bằng ngôn ngữ, nhưng có thể đề mở ra con đường dẫn về nó, sau khi trầm tư về sự chứng ngộ của mình dưới gốc cây Bồ-đề. Phật đã quyết định đến Ba-la-nại, nói về Tứ diệu đế cho năm thầy tỳ-kheo. “Tứ diệu đế được thiết lập trên tương quan của định thức duyên khởi: Khổ và Tập, nhân quả lưu chuyển. Diệt, Đạo, nhân quả hoàn diệt.” Như đức Phật đã dạy chân lý mà Ngài đã tự chứng, không thể nói lên bằng ngôn ngữ, nhưng chúng ta có thể mở ra một con đường dẫn về nó đó chính là giáo lý Tứ diệu đế mà Ngài đã dạy cho năm thầy tỳ-kheo. Và các đế này được thiết lập trên tương quan định thức duyên khởi qua Nhị đế. Định thức duyên khởi này chính là một phương tiện quyền xảo để khai thông con đường giữa (Trung đạo) mà tương đối là đại diện cho Tục đế thuộc thế giới hiển nhiên của tri thức và chân lý tuyệt đối, siêu nghiệm thuộc về Chân đế. Hai thế giới này luôn luôn mâu thuẫn nhau trong việc thành lập Nhị đế như những chủ trương của các nhà Tiểu thừa và Đại thừa nêu trên. Vậy thì làm sao duyên khởi có thể bao hàm cả tương đối hiển nhiên của Tục đế và tuyệt đối siêu nghiệm của Chân đế? Trong khi Tục đế và Chân đế luôn mâu thuẫn nhau trong kết cấu văn tự của thế giới hiển nhiên Tục đế qua Nhị đế. Sự mâu thuẫn này không những trong hình thức kết cấu văn tự của ngôn ngữ mà ngay trong bản thể nội dung tư tưởng của chúng cũng khó mà giải quyết được. Vấn đế bản thể của Nhị đế là một hay là khác cũng khó mà phân định một cách rành mạch, vì chúng không vượt qua khỏi hàng rào ngôn ngữ luận chứng logic học. Một thực tại tuyệt đối của hai mặt Tục và Chân vì thế khó mà lộ diện được, nếu chúng ta chưa giải quyết được vấn đề mâu thuẫn này! Vấn đề mâu thuẫn này, như trong quyển “Triết học về tánh Không” của TT.Tuệ Sỹ, trang 30-31-33 có đề cập trường hợp Chân đế và Tục đế nhất thể hay dị thể? Trong nhất thể cho rằng theo nguyên tắc luận lý thì khi chúng ta đứng bên này của Tục đế mà nhìn thì chúng ta chỉ có thể biết và nhận thức rõ về chính nó thôi chứ không thể quán chiếu qua bên kia của Chân đế được, và ngược lại khi chúng ta đứng bên kia của Chân đế để nhìn thì chúng ta cũng chỉ có thể biết và nhận thức rõ về Chân đế mà thôi. Như vậy thì đây cũng chỉ là cái nhìn tương đối bị lệ thuộc vào hiển nhiên của một mặt thực tại, chứ không phải là một cái nhìn toàn thể của một thực tại mà chúng ta muốn vươn đến, nếu có chăng nữa thì đó cũng chỉ là một nhận thức qua suy luận chứ không phải là cái nhìn hiện quán toàn diện. Trong dị thể thì cho rằng hai sự thể độc lập nhau, làm sao có thể hợp nhất được, trong khi muốn nói duyên khởi bao hàm cả hiển nhiên và Tuyệt đối? và đưa ra thí dụ của hai sự thể khác nhau qua ánh sáng và bóng tối. Sự phối hợp của chúng sẽ không hiện thực được trong một toàn thể. Về thể đồng nhất và dị biệt chúng trở nên mâu thuẫn và được ngôn ngữ thể hiện qua cách nhìn nhận trong hiện quán được đánh giá qua thời gian và không gian. Một sự thể dù là quá khứ hay vị lai, một khi chúng trở thành đối tượng để hiện quán thì bấy giờ, nó cũng hiện hữu như hiện tại. (Trong hiện tại cái đã qua không có tác dụng, cái chưa đến cũng không có tác dụng, sự thể như thế không có tác dụng, không có tác dụng tức là không hiện hữu, và không phải là đối tượng của hiện quán.) Đó là quan niệm theo luận lý thông thường bị lệ thuộc vào thời gian. Nhưng theo Trung quán thì hiện tại là cái sắp đến và sắp đi chúng chỉ là ước lệ nếu không muốn nói là không có, hiện quán ở đây cả chủ thể lẫn đối tượng, chúng không bị tác động và lệ thuộc vào thời gian. Do đó, nhất thể như là một toàn thể không thể hiện hữu bằng hai khía cạnh cùng lúc ở đây tức là bằng hiện quán được. Cũng vậy, dị thể là hai sự thể độc lập, vậy làm sao ánh sáng và bóng tối chúng có thể hợp nhất, trong khi duyên khởi lại có thể bao hàm cả hiển nhiên và tuyệt đối? Ở đây cũng cần không gian và thời gian để ánh sáng và bóng tối hiện hữu. Vậy lúc nào là lúc cả hai cùng hiện hữu? Chúng ta nói, có ánh sáng là vì có bóng tối, và ngược lại. Như vậy, cho dù là dị thể, cả hai đều biểu thị cho một thực tại. Như Ngài Long Thọ trong Trung luận đã nói thì đó chỉ là ảo giác tri thức và dựa vào kinh nghiệm hồi tưởng qua hai giai đoạn nối tiếp trong dòng liên tục của thời gian đã xảy ra: khi ánh sáng bắt đầu hiện diện thì bóng tối bắt đầu ra đi. Việc hiện diện và ra đi chúng xảy ra trong hiện tại cùng trong một vị trí thời gian và không gian. Nhưng khi ánh sáng hiện diện ở đây, thì bóng tối là quá khứ, và khi bóng tối đang hiện diện ở đây, thì ánh sáng đang là vị lai; như vậy thì không bao giờ cả hai hiện hữu cùng lúc, cùng chỗ được. Trong trường hợp như vậy thì Nhị đế phải được thành lập như thế nào để nói duyên khởi bao hàm cả hai?
- Những mâu thuẫn được thể hiện qua bằng kết cấu văn tự như trên, như những lời dạy của đức Phật trong kinh Pháp hoa, tuy ngôn ngữ bất lực trước việc diễn tả cảnh giới tự chứng của đức Phật, nhưng Phật vẫn đến Ba-la-nại nói pháp Tứ diệu đế cho năm thầy tỳ-kheo tại vườn nai cũng bằng vào ngôn ngữ vào lúc bấy giờ. Như vậy ngôn ngữ văn tự, giờ này đã trở thành một khí cụ chuyên chở một ý niệm về thực tại, mà Ngài muốn phát biểu nó qua ngôn ngữ văn tự. Ở đây, dù trên mặt ngôn ngữ chúng thể hiện sự mâu thuẫn qua kết cấu, vì những lệ thuộc của chúng vào không gian và thời gian, tự thân chúng không thoát khỏi sự ràng buộc của nguyên tắc luận lý thông thường của hình thức, mà ngay đến nội dung tri thức chúng cũng không tránh khỏi những cái lỗi mâu thuẫn trong nhận thức. Và như vậy, cho đến khi nào chúng ta giải quyết được những mâu thuẫn này, tức là chúng ta giải quyết được con đường bằng vào ngôn ngữ văn tự tiến về tuyệt đối qua định thức duyên khởi, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết tiếp theo đó qua duyên khởi. Vì nhờ vào duyên khởi mà con đường ngôn ngữ không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào trong đó có cả mâu thuẫn. Khi con đường nào không bị lệ thuộc thì con đường đó mới là con đường Trung đạo, là con đường của vượt cách, là con đường giải thoát để đạt đến thực tại tuyệt đối. Ngôn ngữ chúng chỉ bày cho chúng ta một con đường nào đó đề tiến về chân lý tuyệt đối, thì lúc đó ngôn ngữ chính là hình thức của con đường được biểu hiện qua cái danh để biểu tượng cho cái thực. Ở đây cái danh không phải là cái thực. Vì danh không phải là thực, nên một sự thể có khả năng mang nhiều tên gọi (danh) khác nhau; và ngược lại mỗi tên gọi là một tổng hợp, hay tổng thể của những thuộc tính nào đó. Một sự thể có thể hiện hữu qua các thời gian, ở quá khứ nó tuỳ thuộc vào một số thuộc tính có thế là như thế kia; trong hiện tại, nó có thể là như thế này, và trong tương lai, nó có thể là như thế nọ. Qua những thời gian này, sự thể không thường tại ở trong bản thân, mà chúng bộc lộ theo tên gọi của chúng theo từng thời gian. Chúng bị lệ thuộc vào vô thường, nhưng vô thường thì không có tự hữu như một đối tượng. Do đó tên gọi mới là đối tượng của tri thức, và cũng từ đây ngôn ngữ văn tự trở nên cần thiết trong việc tiếp cận với chân lý. Bản thân của thực tại thì luôn luôn biến thiên bất tuyệt, nên nó là hiện tượng đa thù sai biệt, trong khi tên gọi của nó thì lại bất biến không thay đổi. Như sắc chẳng hạn, lúc nào cũng là sắc trong khi sự thể của sắc luôn biến thiên theo sự chi phối biến thiên của vô thường qua duyên khởi. Cho nên nó là là một hiện tượng nhất thể không sai biệt. Trong kết cấu văn tự, tên gọi của một sự thể là cái không sai biệt của những sai biệt, tức là bất dị, và ngược lại sự thể là những sai biệt của cái không sai biệt, tức là bất nhất. Ở đây bất nhất, bất dị tức trung đạo.
- Cái danh biểu thị cho cái thực, nhưng cái danh này là duy nhất, không đổi, nó khoác lên cái thực một thuộc tính quyết định, hoặc thường, hoặc đoạn, hoặc nhất hoặc dị. Nhưng cái danh này khi chúng ta soi chiếu qua duyên khởi thì nó là một cái danh giả, và cũng chính cái danh giả này lại biểu tượng cho cái thực, cho nên nó chính là Trung đạo.
- Tóm lại, Nhị đế là nhất thể, hay dị thể, khi chúng ta giải quyết những mâu thuẫn cấu kết ngôn ngữ qua danh và giả danh này rốt ráo thì con đường trung đạo của Nhị đế sẽ hiển hiện ra dưới dạng không nhất không dị. Khi mà tự ngôn ngữ phủ định những xác định trói buộc cũng do ngôn ngữ tạo ra, thì lúc đó con đường trung đạo sẽ tự hiện. Trước hết sự hiện hữu của bản thể có được là nhờ vào sự hiện hữu của biểu tượng ngôn ngữ qua cái danh. Vì bản thể là một thực tại tuyệt đối, nên thực tại tuyệt đối luôn luôn là bất khả thuyết, nhưng ngay bản chất của ngôn ngữ biểu tượng cũng là bất khả thuyết, cho nên có một sự tương ứng giữa tiến trình biểu tượng và tiến trình bản thể thực tại, chúng không những không đánh mất tinh thể của ngôn ngữ, mà còn mang lại cho ngôn ngữ một giá trị như là một con đường đi đến tuyệt đối của bản thể qua giả danh.

[1] Nam hải Ký qui nội pháp truyện 4, 南 海 寄 歸 內 法 傳. Theo Phật quang đại từ điển, 佛 光 大 辭 典 quyển 1, tr. 244b
[2] Triết học về Tánh Không, Tuệ Sỹ, An Tiêm xuất bản, Saigòn 1970, tr. 29.
[3] Kinh Trung A-hàm 7, tương ưng phẩm, phân biệt Thánh đế , 中 阿 含,相 應品, 分 別 聖 諦 經,Đ. 1, N0。26 tr. 0469a.
[4] kinh Tăng Nhất A-hàm 3, 增壹阿 含經,Đ. 2, tr. 561a, phẩm A-tu-luân 8, kinh 3.
[5] Câu xá luận, phân biệt hiền Thánh phẩm, 俱 舍 論, 分 別 賢 聖 品, Đ. 29 , N0. 1558, tr.
[6] Thành thật luận , 成 實 論,Skt . Satyasiddhi-śāstra, Phật quang đại từ điển 1, Tr. 224c.
[7] Kinh bộ, 經 部, (Sūtra-vādin), còn gọi là Kinh lượng bộ (Sautrāntika), hay Tăng-già-lan-đề-ca (Saṃkrāntika), là một trong những phái Tiểu thừa phát triển mạnh đồng thời với Nhứt thiết hữu bộ sau khi đức Phật vào Niết-bàn. Bộ phái này chủ trương nhị nguyên luận tâm vật, phủ định thuyết thật hữu đối với van vật của Hữu bộ, chỉ có chấp nhận có tâm cùng với tứ đại là thực tại, và chỉ có hiện tại mới là thật hữu, còn quá khứ đã qua di, vị lai thì chưa đến, và ngay đến hiện tại cũng chỉ là tồn tại trong chốc lát, chỉ có chủng tử mới tồn tại thật sự. Đây là nền tảng cơ sở của các nhà Duy thức sau này khi chủ trương về chủng tử.
[8] Đại Tỳ-bà-sa luận , 大 毘 婆 沙 論,Abhidharmamahāvibbhāṣā-śāstra. Đ. 27 Tr. 399c.
[9] Kinh Niết-bàn, (Mahā-parinirāaṇa), phẩm Thánh hạnh 涅 槃 經,聖 行 品, Đ. 12, tr. 0443a - 0444a.
[10] Kinh Nhân vương Bát-nhã-ba-la-mật 仁 王 般 若 波 羅 密 經 . Đ. 8, Tr. 0839a.
[11] Pháp tướng tông, 法 相 宗,còn gọi là Du-già tông, 瑜伽 宗 hay Duy thức tông, 唯 識 宗,Hữu tướng tông 有 相 宗 v.v… Tông này căn cứ vào tướng tánh các pháp làm yếu chỉ cho giáo nghĩa của mình. Nhưng thường là chỉ cho tông Duy thức nhiều hơn, nó là một trong 13 tông phái Phật giáo Trung quốc, cũng là một trong 8 tông ở Nhật bản. Tông này do ngài Huyền Trang là tổ khai tông đầu tiên, dựa vào năm vị bách pháp đề phán quyết phân biệt các pháp nào là hữu vi, pháp nào là vô vi. Chủ trương của tông phái này cho rằng tất cả chỉ có Thức là yếu chỉ. Họ y cứ vào các kinh Hoa Nghiêm, Giải thâm mật, Như lai xuất hiện công đức, Đại thừa A-tỳ-đạt-ma, Nhập lăng già, cùng Du-già-sư-địa luận, Hiển dương Thánh giáo luận, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Nhiếp đại thừa luận, Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận v.v… và nhất là đã dùng kinh Giải thâm mật, cùng thành Duy thức luận làm cơ sở y cứ để thành lập ra yếu chỉ của tông này.
[12] Đại thừa pháp uyển nghĩa chương ,大 乘 法 宛 義 林章。
[13] Du-già-sư-địa luận 瑜 伽 師 地 論 (Yogacārabhūmi), Đ. 30 N0. 1579.
[14] Thành duy thức luận,成 唯 識 論 (Vijñaptimātratāsiddhi-śāstra) Đ. 31, N0. 1585 Tr. 0048a.
[15] Nhất chân pháp giới, 一 真 法 界,Tức chỉ pháp thân chư Phật bình đẳng, từ xưa tới nay không sinh không diệt, chẳng phải không chẳng phải có, xa lìa danh tự xa lìa hình tướng, không trong không ngoài, hoàn toàn duy nhất chân thật, không thể nào nghĩ bàn, nên gọi là “Nhất chân pháp giới”.
[16] Địa luận tông, 地 論 宗 là một trong 13 tông phái Phật giáo của Trung quốc. Chủ trương theo ý nghĩa Như lai tạng duyên khởi của Đại thừa mà lập tông.
[17] Tuệ Viễn, 慧 遠,là sơ tổ của Tịnh độ tông Trung quốc, người sáng lập ra Lô sơn Bạch liên xã, là người Nhạn Môn Lâu phiền, họ Cổ. Năm 13 tuổi du học tại Hứa Xương, Lạc Dương, thông cả lục kinh của Lão Trang. Năm 23 tuổi, đến Thái Hành Hằng sơn nghe Đạo An giảng kinh Bát-nhã liền tỏ ngộ, và tự than rằng: “Chín dòng Nho Đạo đều như trấu lép” bèn xin Đạo An cho làm đệ tử, rồi xuống tóc xuất gia. Năm 24 tuổi đăng đàn giảng pháp, ông mượn tư tưởng sách Trang tử dẫn ra để giảng rõ về ý nghĩa thật tướng của Phật giáo làm cho ai cũng hiểu được. Năm 402 Nguyên Hưng nguyên niên, sư cùng với Lưu Di Dân và hơn tram người khác sáng lập ra Bạch Liên xã, chuyên dùng pháp môn niệm Phật của Tịnh độ là pháp môn tu hành, hơn 30 năm trời chưa từng xuống núi. Sư nội thông Phật lý, ngoại giỏi thế học. Bấy giờ chùa Đông Lâm-Lô sơn là trung tâm Phật giáo phía nam, cùng với La Thập ở Trường An phân chia thiên hạ. Sư mất lúc 83 tuổi.
[18] Tỳ-đàm tông,毘 曇 宗,còn gọi là Tát-bà-đa bộ, (Sarvāsti-vāda), chỉ cho Hữu bộ là một trong hai mươi bộ phái Tiểu thừa Ấn độ, cũng là một trong 13 tông vào lúc bấy giờ ở Trung hoa.
[19] Hữu bộ,有 部 (Sarvāsti-vadin), gọi đủ là Thánh căn bổn thuyết nhứt thiết hữu bộ, là một trong 20 bộ phái Tiểu thừa, còn gọi Hữu bộ tông, Hữu tông thuộc một phái của Thượng toạ bộ. Chủ trương của bộ này là: “Tam thế nhất thiết pháp là thật có, nên gọi là Hữu bộ”. Căn cứ địa hoằng pháp cực thịnh của bộ này là miền Tây bắc Ca-thấp-di-la, và Kiền-đà-la … Bộ này y cứ vào các bộ luận A-tỳ-đạt-ma để thành lập.
[20] Tam luận tông, 三 論 宗, là một trong 13 tông Phật giáo tại Trung quốc, và cũng là một trong tám tông ở Nhật bản.. Tông này y cứ vào nghĩa lý ba bộ luận: Trung quán (Long Thọ, Nāgārjuna), Bách luận (Thánh Thiên, Āryadeva ), và Thập nhị môn (Long Thọ, Nāgārjna) để xiển dương không, vô tướng, bát bất Trung đạo cho tông phái mình, và nhất là xiển dương tánh không của các pháp nên còn gọi là Pháp tánh tông.
[21] Pháp hoa Huyền nghĩa ,法 華 玄 義. Đ. Tr.
[22] Trí Khải Đại sư, 智 (豈+頁」大師,người Đơn Dương, họ Phùng, thuở nhỏ theo Cát Tạng đại sư Gia Tường xuất gia. Năm Trinh quán 19 (645) Đô đốc Ứng Tề mời giảng thuyết tam luận tại chùa Gia Từng, người học bốn phương tụ tập hơn cà tám trăm người. Năm trinh quán thứ 20 thì mất.
[23] Thiên thai tông, 天 台 宗,còn gọi là Pháp hoa tông, là một trong 13 tông phái Phật giáo tại Trung quốc, cũng là một trong tám tông phái tại Nhật bản. Vào thời Lục triều Đại sư Trí Khải ở tại núi Thiên Thai, kiến lập ra giáo quán tông, người đời thường gọi ngài là đại sư Thiên Thai, và do đó lấy lập thành tên của tông, và ngay cả têncủa môn đồ môn hạ cũng đều lây tên này mà kêu luôn. Tông này y cứ vào kinh Pháp hoa, để phán quyết nhất đại thời giáo củ đức Phật, và tôn sùng kinh Pháp hoa trên hết, nên còn gọi là Pháp hoa tông, dùng giáo chỉ của kinh Pháp hoa làm cơ sở để phán quyết thành lập giáo tướng của bát giáo ngũ thời., đề xướng lý tam đế dung thông.
[24] Hoá pháp tứ giáo, 化 法 四 教,là học thuyết phán giáo của tông Thiên Thai chủ trương lấy nội dung giáo pháp một đời do đức Phật tuyên nói để dạy dỗ chúng sanh phân ra là bốn loại: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo cùng với hoá nghi tứ giáo cùng gọi chung là Thiên Thai bát giáo.
[25] Tam chủng tiếp bị, 三 種 被 接.
[26] Tạng giáo, 藏 教,chỉ cho toàn bộ ba tạng giáo điển (kinh, luật, luận) của Tiểu thừa giáo, tức chỉ cho các thuyết riêng biệt về sự sinh diệt của Tứ đế của người ba thừa, dùng phân tích quán không cùng đoạn trừ kiến-tư-hoặc, khiến vào vô dư Niết bàn.
[27] Thông giáo, 通 教,Chỉ cho các bộ Bát-nhã, nghĩa của chúng thông cả cho Tiểu-Đại thừa. Bao quát cả đạo lý thâm sâu u áo cùng cạn cợt hiển bày. Tức chỉ cho chủ trương của người ba thừa về thể Không, vô sinh của Tứ đế, khiến cho mọi người đống nhập vô dư Niết-bàn.
[28] Biệt giáo, 別 教,chỉ cho các loại kinh thuộc Đại thừa như Kỳ xà , Phương đẳng. Kinh này đức Phật chỉ thuyết riêng cho các hàng Đại Bồ-tát chứ không phải cho các hành nhị thừa về lý vô lượng Tứ đế, theo thứ tự dùng ba quán pháp ba hoặc, khiến cho hành giả đi vào lý chỉ có Trung đạo.
[29] Thông giáo, 通 教,chỉ cho giáo nghĩa kinh Pháp hoa, vì các hành Bồ-tát mà thuyết về vô tác của Tứ đế, để ba quán viên dung đồng dứt trừ nhị hoặc, khiến chứng vào lý không phải chỉ có trung đạo.
[30] Mạt pháp đăng minh ký chuyên dụng, 末 法 燈 明 記 轉 用.
[31] Tịnh độ Chân tông, 淨 度 真 宗,là một trong tám tông phái Phật giáo tại Nhật bản. y cứ vào bản nguyện lực của đức Phật A-di-đà mà cầu vãng sanh về cõi nước Tịnh độ của Ngài.
[32] Nhị đế quyển hạ, minh Nhị đế thể đệ tứ. 二 諦卷 下 明 二 諦 體 第 四,Đ. 45, N0. 1854, tr. 107c.115a
[33] Đại thừa huyền luận , 大 乘 玄 論,Đ. 44, N0. 1853, Tr. 12c-…
[34] Chỉ cho hai tự tánh, y tha khởi, 依 他 起 自 性, biến kế sở chấp 遍 計 所執 自 性 (phân biệt)。
[35] Trung luận quán Tứ đế phẩm , 中 論 觀 四諦 品. Ārya-satya-parīkṣā. Đ. 30, tr. 32b.
[36] Trung luận quán Tứ đế phẩm, 中 論 觀 四 諦 品, Ārya-satya-parīkṣā. Đ. 30, tr. 33, kệ 30

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008
0 nhận xét
categories: | | edit post

Bát chánh đạo là hành pháp thứ bảy trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Hành pháp Bát Chánh Đạo là pháp môn thật tiễn đại biểu đặc trưng tối quan trọng cho những lời dạy của đức Đạo sư trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì pháp môn này là một phương pháp chính xác để hành giả hướng đến Niết-bàn giải thoát, là một con đường ngắn nhất đưa hành giả đến chỗ an vui tịch tĩnh, là con đường được Đạo sư nói ra lần đầu tiên sau khi Ngài thành Đạo tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như bạn tu của Ngài trước đó để tránh xa hai thái độ sống cực đoan giữa đau khổ (khổ hạnh) và, khoái lạc (hạnh phúc) đưa hành giả đến con đường Trung đạo không vướng mắc hai bên.
Bát Chánh Đạo tiếng Phạn gọi là āryāṣṭāṅgika-mārga, là con đường chánh tám ngành đưa đến Niết-bàn giải thóat, còn gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi chánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát đạo hành, Bát trực hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, hay Bát lộ.
Bát chánh đạo gồm có tám chi sau:
Chánh kiến (skrt: samyag-dṛṣṭi, pāli:sammàditthi), thấy đúng.
Chánh tư duy (skrt: Samyak-saṁkalpa, pāli: sammàsankappa): suy nghĩ đúng.
Chánh ngữ (skrt: Samyag-vāc, pāli: sammàvàca): nói đúng.
Chánh nghiệp (skrt: Samyak-karmānta, pāli: samm kammata): làm việc đúng.
Chánh mạng (skrt: Smnyag-ājīva, pāli: sammààjiva): sống đúng. 1989
Chánh tinh tấn (skrt: Samyag-vyāyāma, pāli: sammààyàma): siêng năng đúng.
Chánh niệm (skrt: Samyak-smṛti, pāli: sammà satti): nhớ đúng. (1990
Chánh định (Samyak-samadhi, pāli: sammà samàdhi): tập trung đúng. 1989-

1/ Chánh kiến, còn gọi là chánh đế, tức thấy khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời kia, có cha mẹ, có người chơn đến nơi thiện, bỏ thiện hướng thiện, nơi đời này, đời kia, tự giác tự chứng thành tựu. "Khi nào vị Thánh đệ tử biết già chết, tập khởi của già chết, đoạn diệt của già chết và con đường đưa đến đoạn diệt già chết, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến...” (Kinh Chánh tri kiến,Trung bộ I, p. 49, HT. Minh Châu dịch) hay "Khi một vị Thánh đệ tử biết được bất thiện và biết được căn bản của bất thiện, biết được thiện và căn bản của thiện, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này". (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I, tr. 47). Đó chính là sự thành tựu của nhân quả thế gian và xuất thế gian qua như thật tri kiến một cách rõ ràng về sự hiện hữu và biến dịch của chúng theo duyên khởi mà hành giả có thể tư duy và nhận chân được tánh và tướng của tất cả mọi pháp trên thế gian này, đâu là pháp hữu lậu, đâu là pháp vô lậu. Đó gọi là chánh kiến.
Chánh kiến là chi đầu trong tám chi Bát chánh đạo thuộc vào phần tuệ học của ba vô lậu học nhằm trang bị cho một sự nhận thức đúng về lối nhìn duyên khởi đối với mọi sự vật, không rơi vào cái nhìn méo mó sai lệch giữa có và không, giữa thường và đọan của lối nhìn tà kiến, mà lúc nào cũng phải giữ một cái nhìn khách quan không thiên lệch bên này hay bên kia để vượt qua khỏi mọi vướng mắc hữu lậu đạt chánh kiến vô lậu giải thóat như trong Kinh Đại Tứ Thập, Trung bộ III. tr. 207 “Phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị thành thục Thánh đạo A-la-hán, có vô lậu tâm, chánh kiến như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế.”
Lối nhìn này được mệnh danh là kiến giải trung đạo, vượt qua khỏi tà kiến chấp có chấp không của thế gian. Nói chung hành giả xa lìa từ bỏ năm loại kiến giải không chánh kiến này: Một là tự chấp cho rằng thân này có ngã nó luôn tồn tại không mất, đó gọi là thân kiến hay ngã kiến. Hai là cực đoan chấp chặt kiến giải một bên, như sau khi chúng ta mất sẽ tồn tại không mất, đó gọi là thường kiến hay hũu kiến đối lập lại với quan niệm sau khi ta mất sẽ không còn nữa, đó gọi là đọan kiến hay vô kiến. Hai quan điểm có-không này mà chúng ta chấp vào một trong hai thì gọi là biên kiến. Ba là chấp nhận kiến giải cho rằng không có đạo lý nhân quả trên đời này, đó gọi là tà kiến. Bốn là chấp chặt vào những kiến giải sai lầm cho là đúng đắn chân thật, đó gọi là kiến thủ kiến. Năm là cho rằng những giới luật cấm chế sai lầm không đưa đến con đường giải thóat của ngoại đạo mà cho rằng thực hành chúng sẽ đưa đến Niết-bàn giải thóat, đó gọi là giới cấm thủ kiến. Nếu hành giả xa lìa không sống theo năm thứ kiến giải sai lầm lệch lạ này, mà thấy biết được một cách chắc chắn rằng: “Biết được chánh kiến là chánh kiến, tà kiến là tà kiến. Biết được chánh ngữ và tà ngữ. Biết được chánh nghiệp và tà nghiệp. Biết được chánh mạng và tà mạng. Biết được chánh tinh tấn và tà tinh tấn. Biết được chánh niệm và tà niệm. Biết được chánh định và tà định.” (Kinh Ðại Tứ Thập, Trung Bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT. Minh Châu) thì đó gọi là thấy biết nhận thức một các chân chánh của hành giả về lối nhìn đưa đến con đường trung đạo giải thóat trong thực hành của hành giả.
Chánh kiến, Theo Đại Tỳ-bà-sa luận 97 thì chánh kiến được phân ra là hai loại:
- Một hữu lậu chánh kiến hay còn gọi là thế tục chánh kiến, tức chỉ cho ý thức luôn luôn tương ưng với thiện huệ hữu lậu, vì chúng quan hệ với chấp thủ của hữu lậu nên phải chuyển hướng về đường thiện chiêu cảm quả dục đáng vui của đời vị lai.
- Hai là vô lậu chánh kiến, còn gọi là xuất thế gian chánh kiến, tức chỉ cho trí vô sinh hòan tòan không còn nhiếp giữ ý thức tương ưng với thiện huệ hữu lậu nữa, mà nó vượt qua khỏi chấp thủ về thiện hữu lậu chánh kiến.

2/ Chánh tư duy, còn gọi là chánh chí, chánh phân biệt, chánh giác hay đế niệm, tức là không có dục giác, nhuế giác và, hại giác, là chi thứ hai trong Bát chánh đạo, tức là hành giả phải tư duy suy nghĩ về đạo lý chân thật để xa lìa tham dục, sân nhuế, hại niệm thuộc những cách tư duy tà vạy thiếu chính xác đưa hành giả đến con đường nuôi lớn tham, sân, si tạo nghiệp ba đường dư trói buộc trong sinh tử luân hồi. Ngược lại hành giả phải luôn luôn tư duy suy nghĩ về con đường giải thóat vô tham, vô sân, vô hại bằng cách không tư duy suy nghĩ đến chúng.
Cũng như chánh kiến chánh tư duy có hai cách Chánh tư duy hữu lậu và, Chánh tư duy vô lậu:
- Hành giả cần phải áp dụng cách tư duy suy nghĩ để một mặt huân tập báo nghiệp thiện cho ý về vô tham, vô sân, vô hại và, mặt khác thực hành những điều hành giả đã tư duy về các pháp thiện lợi mình lợi người (tạo nhân tái sinh) của ba nghiệp thân, khẩu và, ý qua thể hiện thiện nhân đưa đến quả sanh y thiện theo nhân quả hữu lậu. Đó gọi là tư duy hữu lậu.
- Hành giả tư duy với tâm vô lậu, tâm Thánh thì, sự tư duy đó được gọi là Chánh tư duy vô lậu, ngược lại với tâm hữu tư duy quaq pháp vô tham, vô sân, vô hại.

3/ Chánh ngữ, còn gọi là chánh ngôn, đế ngữ, là chi thứ ba trong Bát chánh đạo, nghĩa là xa lìa lời nói hư dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt. Vì những lời nói này câu hữu với vô minh sẽ đưa hành giả vào ba đường ác, ngược lại là những lời nói chân thật, lời nói hòa hợp lợi mình lợi người, lời nói nhẹ nhàng không thô ác nặng nề, lời nói không thêu dệt phù phiếm, câu hữu với phước báo an vui hạnh phúc. Nói chung những lời nói nào mang lại lợi cho mình và có lợi cho mọi người, chúng tạo nhân hướng thiện làm phước báo sanh y cho hành giả trong tương lai thì đó gọi là chánh ngữ. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn trước khi đức Phật nhập diệt, có đệ tử hỏi:
Bạch Thế tôn, sau khi Phật nhập Niết-bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo với kinh Phật không làm sao phân biệt.Vậy biết tin theo lời nào để tu? Phật bảo, không luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo đó mà tu. Đó là chúng ta nói đến phước báo hữu lậu của chánh ngữ, ngoài ra nếu hành giả từ bỏ bốn cách nói trên vượt qua luật nhân quả và, câu hữu với vô tâm trong lời nói, thì những lời nói này thuộc chánh ngữ vô lậu.

4/ Chánh nghiệp, còn gọi là chánh hành, đế hành, là chi thứ tư trong Bát chánh đạo, chỉ cho hành động, tạo tác chân chánh (tác nhân thiện nghiệp), tức chỉ thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh; tức xa lìa sát sinh, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối … nói chung là hành giả sống từ ý nghĩ, tạo tác hành động, lời nói luôn xa lìa mọi thứ tà vọng thì, gọi đó là chánh nghiệp.
Theo kinh Bát chánh đạo thì, không thấy như thật, không tư duy như thật, không nói như thật, đời sống không như thật, tinh cầu không như thật, hành động không như thật, ý nhớ không như thật, tập trung không như thật gọi là bát đạo tà hành, ngược lại tám điều tà hành này thì gọi là chánh hành, hay chánh nghiệp. Hành giả tạo nhân nghiệp thiện hữu lậu cho phước báo sanh y trong tương lai thì, đó gọi là chánh nghiệp hữu lậu.
Theo Du Già Sư Địa luận 64 thì, có ba loại chánh nghiệp (hành) là: Chánh hành đối với Phật bảo, hành giả nên cúng dường thừa sự. Chánh hành đối với Pháp bảo, hành giả nên lấy Du-già làm phương tiện tu tập. Chánh hành đối Tăng bảo, hành giả nên tu tập cùng thọ tài-pháp thí. Theo Đại thừa Trang nghiêm luận 12 thì, dùng sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ (Bát-nhã) làm chánh hành. Theo Biện trung biên luận quyển hạ thì, lấy mười Ba-la-mật làm hành tướng mà phân biệt thành sáu loại chánh hành: Tối thắng, tác ý, tùy pháp, ly nhị biên, sai biệt, vô sai biệt làm chánh hành. Theo Pháp hoa huyền tán 8 thì, lấy việc thọ trì phẩm Pháp sư trong kinh Pháp hoa 4 như: Độc, tụng, giảng nói, viết kinh và, cúng dường là chánh nghiệp của sáu loại pháp sư.
Theo Tịnh độ tông thì cũng lấy việc độc tụng, quán sát, lễ bái, xưng danh và, tán thán cúng dường đức Phật Di-đà là năm chánh hành của hành giả tu theo Tịnh độ và, theo Mật giáo thì đối với những hành nghiệp tu tập sau những gia hành đều gọi là chánh nghiệp. Nói chung tất cả mọi hành động của chúng ta từ lời nói đến việc làm và trong ý nghĩ chúng câu hữu với nhân quả thiện đưa đến giải thóat thì đều gọi là chánh nghiệp thuộc hữu lậu hay là vô lậu cả.

5/ Chánh mạng, còn gọi là đế thọ, chánh mạng đạo chi, là chi thứ năm trong Bát chánh đạo, là chỉ cho cách sống của hành giả, phương pháp sanh nhai hằng ngày mang lại cơm no áo ấm, thuốc thang, và những nhu cầu cần cho cuộc sống trong gia đình. Là hành giả tu tập theo chánh pháp của Phật thì trước hết phải thanh tịnh hóa ý nghiệp trong từng ý nghĩ bằng các không nghĩa đến những điều ác hại mình hại người, mà phải có những ý nghĩ đem lại lợi ích vui vẻ cho chính mình và cho mọi người chung quanh gần nhất là những người thân trong gia đình và, xa hơn nữa là xã hội; kế đến là thanh tịnh thân, khẩu nghiệp của mình bằng vào những công việc làm và những lời nói trong công việc khi giao thiệp; hành giả phải tránh xa mọi công việc làm đưa đến hại mình, hại người như học nghề chú thuật, bói tóan … lường gạt kẻ khác, mà ngược lại hành giả phải sống đúng với chánh pháp nghĩa là chúng ta phải lựa chọn những nghề nghiệp nào mang lại mọi lợi ích an vui cho mình cho người thì chúng ta chọn nghề đó để sống. Đó gọi là nghề nghiệp sinh sống chánh đáng của một hành giả thực hành chánh pháp của đức Phật.

6/ Chánh tinh tấn, còn gọi là chánh phương tiện, chánh trị, đế pháp, đế trị, là chi thứ sáu trong Bát chánh đạo, chỉ cho mọi sự nổ lực siêng năng tinh cần trong bốn việc mà hành giả cần phải hạ quyết tâm phát nguyện trong lúc tu tập để thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu, ý trong chỉ ác hành thiện: Pháp ác nào đã phát sinh hãy nhanh chóng trừ diệt chúng, pháp ác nào chưa phát sinh nổ lực ngăn chận chúng không cho khởi sinh; pháp thiện nào chưa phát sinh hãy nhanh chóng làm cho chúng phát sinh, pháp thiện nào đã sinh tiếp tục là cho chúng tăng trưởng hơn lên. Nghĩa là lúc nào cũng tìm cầu phương pháp siêng năng nổ lực tinh cần trong việc đề phòng ngăn ngừa những điều phi pháp có thể xảy ra cùng, nổ lực chận đứng những việc ác đã lỡ phát sinh (phòng phi chỉ ác) qua hai việc hại mình hại người và, luôn luôn siêng năng tinh tất trong việc hành thiện qua hai việc thiện lợi mình lợi người như trên chúng tôi đã trình bày. Sự siêng năng đúng ờ đây chúng cũng được quan niệm như là pháp Tứ chánh cần mà trước đây chúng tôi đã đề cập qua.

7/ Chánh niệm, còn gọi là đế ý, là chi thứ bảy trong Bát chánh đạo, dùng cộng tướng của bốn pháp thân, thọ, tâm và, pháp mà quán. Đây là một hình thức khác của Tứ niệm xứ, điều mà chúng tôi cũng đã đề cập đến trước đây. Ở đây chúng tôi cũng xin đề cập vắng tắc một chút, là hành giả chúng ta luôn luôn nhớ nghĩ về tánh tướng của tất cả các pháp một cách như thật mà không để lãng quên mất. Chúng ta có thể phân chánh niệm ra hai loại:
- Nhớ nghĩ đúng về pháp hữu lậu thế gian, tức là hành giả chúng ta luôn nhớ nghĩ về những thiện niệm, tác ý tương ưng với pháp hữu lậu.
- Nhớ nghĩ đúng về pháp vô lậu xuất thế gian, tức là hành giả chúng ta nương vào chánh kiến vô lậu mà thường tư duy suy nghĩ như thật về mọi đối tượng, với sự tác ý tương ưng với pháp vô lậu với những ý niệm ghi nhớ rõ ràng không bao giờ quên.
Đó là hai cách nhớ nghĩ chân chánh đúng chánh pháp về thiện và thiện giải thóat dành cho hành giả khi tu tập chánh niệm.

8/ Chánh định, còn gọi là đế định, là chi thứ tám của Bát chánh đạo, mục đích của chi này là giúp hành giả xa lìa pháp dục ác bất thiện thành tựu bốn pháp thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và, tứ thiền.
Theo Kinh Ðại Tứ Thập, Trung Bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT. Minh Châu đức Phật dạy: "Thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ-kheo, phàm có nhứt tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy, gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và tư trợ". Sự thành tựu của chánh định của các bậc hữu học như đức Phật đã dạy là phải câu hữu với bảy chi trên làm trợ duyên, duyên khởi trong lúc tu tập mới mong đạt đến kết quả. Trong khi đạo quả giải thóat của các vị A-la-hán của bậc vô học gồm có mười chi như kinh Trung bộ III sđd tr. 221 thì: “Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên; do có chánh nghiệp, chánh mạng khởi lên; do có chánh mạng, chánh tinh tấn khởi lên; do có chánh tinh tấn, chánh niệm khởi lên; do có chánh niệm, chánh định khởi lên; do có chánh định, chánh trí khởi lên; do có chánh trí, chánh giải thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần". Do đó sự hiện hữu có được của chánh định chính là sự hiện hữu của chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và, ngược lại tất cả đều có trong nhau qua duyên khởi. Và ở đây đứng về mặt thời gian nhân quả phân đọan mà nói thì tám chi phần này theo thứ tự làm duyên cho nhau để đưa đến đạt bốn thiền định, nhưng đứng về mặt sát-na sinh diệt không thời gian thì chúng hiện hữu ở trong nhau. Về mặt nhân quả thời gian thì chánh kiến thuộc chi phần quan trọng chủ yếu trong Bát chánh đạo đề đưa về chánh định.
Chánh định ở đây chúng tôi chỉ đề cập giới hạn theo chủ đề của Bát chánh đạo, nên định ở đây định nghĩa cũng theo ý nghĩa chủ đề nên định ngĩa này chưa mang tính phổ quát và rộng hơn.

Tóm lại, Bát chánh đạo là tám chi nhánh cần và đủ để hành giả từ đó có thể mượn chúng là con đường đưa đến giải thóat khổ đau, hay Bát chánh đạo là con thuyền để nhờ vào đó mà hành giải vượt qua khỏi bờ bên này tức là bờ đau khổ sang bờ bên kia tức bờ giác ngộ giải thóat.
Trong Bát chánh đạo chúng ta nhận thấy có sự hệ mật thiết giữa hành pháp thứ tám này cùng với bảy hành pháp trợ đạo khác như chúng tôi đã trình bày trước đây trong Nguyệt san Pháp luân này. Sự có mặt trong nhau qua sự phối hợp sau đây để hành giả có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ một cách cơ bản về sự liên hệ này:
- Chánh niệm trong Bát chánh đạo chính là ý nghĩa nội dung của tứ Niệm xứ (trụ); cũng chính là niệm căn, niệm lực của Ngũ căn-Ngũ lực; cũng là niệm giác chi của bảy Giác chi; và là tâm thần túc của Tứ thần túc.
- Chánh tinh tấn chính là ý nghĩa nội dung của Tứ Chánh cần; cũng chính là tinh tấn thần túc của Tứ thần túc.
- Chánh tư duy là trạch pháp giác chi; cũng chính là quán thần túc của Tứ thần túc.
- Chánh kiến là tuệ căn, tuệ lực;
- Chánh định là hỷ, khinh an, định, xả giác chi.
Chính vì sự quan hệ này nên được đức Đạo sư gọi là pháp trợ đạo cho Đạo đế, con đường trung đạo đưa hành giải thóat ra khỏi khổ để chứng đắc Niết-bàn an lạc giải thóat, phần này chúng tôi đã đề cập đầy đủ trong phần Đạo đế trong Tứ Đế xin xem lại qua những bài viết trước cũng trong Tập san Pháp Luân này.■

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008
0 nhận xét
categories: | | edit post


Thất giác chi là hành pháp thứ sáu thuộc bảy hành pháp trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Thất giác chi còn gọi là Thất Bồ-đề phần, Thất đẳng giác chi, Thất biến giác chi, Thất giác phần, Thất giác ý, Thất giác chí, Thất giác chi pháp ... Thất giác chi (Saptabodhyaṅgāni): Sapta ở đây là chỉ cho số bảy thuộc về số điếm; Bodhy có nghĩa là giác ngộ, tỏ rõ, hiều rõ; aṅgāni là chỉ cho chi phần. Vậy theo nguyên ngữ của Saptabodhyaṅgāni thì được định nghĩa như là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho hành giả để đạt đến Niết-bàn an vui giải thóat.
Thất Giác chi cũng là một hành pháp rất quan trọng đối với việc trợ duyên cho việc đưa hành giả từ chỗ khổ đau đến chổ an vui giải thóat, sự quan trọng của nó không kém gì các hành pháp trên. Ở đây qua bảy pháp giác chi này chúng ta thấy có những pháp trùng hợp với những chi tiết của các hành pháp trên như: Niệm, tinh tấn, định giác chi chúng đã từng hiện diện trong những hành pháp trên .... Nhưng vì chúng mang tính phổ quát, nên sự cần thiết của chúng trong mỗi hành pháp không thể không có được, nên sự hiện diện của chúng trở thành cần thiết cho mỗi hành pháp nói riêng và cho tính phổ quát của chúng nói riêng. Vì vậy, nên để tùy theo từng loại căn cơ của các hữu tình chúng sanh mà, đức Đạo sư chế ra nhiều hành pháp để làm trợ pháp trong phương pháp tu tập cho hành giả; vì nếu trong mỗi hành pháp mà thiếu chúng thì sẽ không hiện khởi để đưa đến việc thành tựu trong tu tập của hành giả và, sẽ không đưa đến kết quả như chúng ta mong đợi được; nên để tùy căn cơ từng người, hành giả hợp với pháp môn nào theo tên gọi của các hành pháp thì, có thể theo đó mà tu tập; tuy đứng về chi tiết có khác nhau, nhưng trên đại thể, về nội dung thì có nhiều chỗ giống nhau. Vì vậy, nên chúng ta sẽ thấy trong pháp môn “Thất giác chi" có nhiều chi tiết giống như các chi tiết trong các hành pháp khác; không những các chi tiết riêng trong hành pháp Thất giác chi tự chúng đã có sự sắp xếp vị trí khác nhau như trong Kinh-luận Đại tạng. Theo Kinh Tạp A-hàm 26, Kinh Phật thuyết Đại thừa tuỳ chuyển tuyên thuyết chư pháp quyền 2 (T. 15, p. 0777b) và Luận A-tỳ-đạt-ma Uẩn Túc quyển 9 (T.26, p. 494c) thì sự sắp xếp các chi trong hành pháp giống nhau, nhưng trong một số kinh-luận khác lại có sự sắp xếp khác nhau về vị trí. Có lẽ đây cũng là do sự sắp xếp tuỳ theo căn cơ đối tượng người nghe hay, đó là sự sắp xếp theo các quan điểm phát triển sau này của Phật giáo qua các bộ phái. Ở đây người viết theo sự sắp xếp của một số đông Kinh-Luận và, theo tiến trình hợp logic của tư tưởng mà giải thích chúng. Theo kinh Tạp A-hàm 26 kinh 707 trang, 189c đức Đạo sư đã tóm tắc chức năng công hiệu của hành pháp Thất giác chi trong việc đối trị những thối thất, chướng ngại che phủ tâm hành giả trong lúc thực hành tu tập, đức Phật dạy:
“Có năm chướng, năm cái, phiền não nơi tâm, có thể làm sút giảm trí tuệ và làm phần chướng ngại, chẳng phải minh, chẳng phải chánh giác, chẳng chuyển hướng Niết-bàn. Những gì là năm? Đó là tham dục cái, sân cái, thùy miên cái, trạo hối cái, nghi cái. Năm cái này là che kín, là bao phủ, phiền não ở tâm, khiến cho trí tuệ bị suy giảm, là phần chướng ngại, chẳng phải minh, chẳng phải đẳng giác, chẳng chuyển hướng Niết-bàn.
“Nếu là bảy Giác chi, thì chẳng che kín, chẳng bao phủ, chẳng phiền não nơi tâm, tăng trưởng trí tuệ, là minh, là chánh giác, chuyển hướng Niết-bàn.
Những gì là bảy? Đó là Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi. Như bảy Giác chi này chẳng che kín, chẳng bao phủ, chẳng phiền não nơi tâm, tăng trưởng trí tuệ, là minh, là chánh giác, chuyển hướng Niết-bàn.”
Qua những lời dạy trên thì hành pháp Thất giác chi trên tính phổ quát của giá trị có những khả năng không những chỉ đối trị các bệnh như che kín, bao phủ, tạo phiền não nơi tâm mà, còn làm tăng trưởng trí tuệ, chuyển hướng hành giả đến Niết-bàn nữa. Và tiếp theo đức Đạo sư đưa ra những kết quả của giá trị thực tiễn khi hành giả thực hành Thất giác chi này, theo thứ tự trước sau để loại bỏ từ từ tất cả những pháp vô minh cấu uế làm mê mờ chướng ngại hành giả trong bước đường tiến đến thanh tịnh giải thóat như Kinh 711 trong Tạp A-hàm 26 đức Đạo sư đã dạy Vương tử Vô Úy:
“Nếu Bà-la-môn nào có một niệm thù thắng, quyết định thành tựu; những việc đã làm từ lâu, những lời nói từ lâu, có thể tùy theo nhớ nghĩ, ngay lúc ấy tu tập Niệm giác chi. Khi Niệm giác chi đã tu tập rồi, thì niệm giác đầy đủ. Khi niệm giác đã đầy đủ rồi, thì có sự lựa chọn, phân biệt, tư duy, lúc bấy giờ tu tập Trạch pháp giác chi. Khi đã tu tập Trạch pháp giác chi rồi, thì trạch pháp giác đầy đủ. Khi đã lựa chọn, phân biệt, suy lường pháp rồi, thì sẽ nỗ lực tinh tấn; ở đây, tu tập Tinh tấn giác chi. Khi đã tu tập Tinh tấn giác chi rồi, thì tinh tấn giác đầy đủ. Khi đã nỗ lực tinh tấn rồi, thì hoan hỷ sẽ sanh, xa lìa các tưởng về thức ăn, tu hỷ giác chi. Khi đã tu Hỷ giác chi rồi, thì hỷ giác đầy đủ. Khi Hỷ giác chi đã đầy đủ rồi, thì thân và tâm khinh an; lúc ấy tu Khinh an giác chi. Khi đã tu Khinh an giác chi rồi, thì khinh an giác sẽ đầy đủ. Khi thân đã khinh an rồi, thì sẽ được an lạc và khi đã an lạc rồi thì tâm sẽ định; khi ấy tu Định giác chi. Khi đã tu Định giác chi rồi, thì định giác sẽ đầy đủ, Khi định giác chi đã đầy đủ rồi, thì tham ái sẽ bị diệt và tâm xả sanh ra; khi ấy tu Xả giác chi. Khi đã tu Xả giác chi rồi, thì xả giác sẽ đầy đủ. Như vậy, này Vô Úy, vì nhân này, duyên này mà chúng sanh thanh tịnh.”
Ở trên theo đức Đạo sư thì, khi hành giả tu tập Thất giác chi theo thứ tự thì những kết quả chúng sẽ theo sau những thực hành đó. Nếu hành giả tu tập thực hành một cách liên tục miên mật không gián đọan đầy đủ rồi thì theo đó chúng ta sẽ đạt được những kết quả như mong muốn ngay trong hiện tại. Nhưng cũng có một số kinh-luận mỗi giác chi trong Thất giác chi có giá trị của riêng chính nó trong việc thực hành chứ không cần phải thực hành hết bảy giác chi theo thứ tự mới đưa đến kết quả như trong kinh Tạp A-hàm ở trên. Theo kinh Phật thuyết pháp thừa nghĩa quyết định 2, T. 17, p. 0657b đức Đạo sư dạy:
Thế nào là Thất giác chi? Phật dạy: Đó là Trạch pháp giác chi, niệm giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi, hỷ giác chi.
Thế nào là trạch giác chi? Là đối với các pháp, mà có thể lựa chọn, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.
Thế nào là niệm giác chi? Đối các pháp, chánh niệm tu tập, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.
Thề nào là định giác chi? Là thường phát khởi diệu huệ thanh tịnh, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.
Sao gọi là tinh tấn giác chi? Đối với việc hành thiện, siêng năng không giải đãi, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.
Thế nào là khinh an giác chi? Đối với các pháp xa lìa thô trọng, điều phục thân tâm, y chỉ ly dục, y chỉ tư duy, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.
Thế nào là xả giác chi? Đối với các pháp xa lìa phóng dật, khiến tâm tịch tịnh; y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.
Thế nào là hỷ giác chi? Đối với các pháp mà sinh hỷ thọ, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch tịnh, nhiếp phục tranh cãi.
Qua Kinh này cho chúng ta thấy sự sắp xếp các chi của chúng không giống như thứ tự của một số kinh luận khác. Mặc khác chúng cũng tự hòan thành kết quả cho chính cách tu tập của tự chúng. Còn theo A-tỳ-đạt-ma Uẩn túc luận 9, thì sự liên hệ chi tiết giữa các hành pháp trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cần thiết vì tính phổ quát của chúng nên ở đây, trong hành pháp Thất giác chi vẫn sử dụng các pháp niệm, tinh tấn, định như những pháp đã được trình bày trong các hành pháp trước, để nhờ đó làm pháp đối trị tùy theo những chi tiết cần thiết của chúng mà ứng dụng. Theo những lời dạy của đức Đạo sư.
1/ Niệm giác chi (: Theo A-tỳ-đạt-ma Uẩn túc luận 9 thì Niệm giác chi trong Thất giác chi, khi hành giả muốn tu tập thì phải dùng đến pháp quán Tứ niệm trụ (Tứ niệm xứ), Theo đức Đạo sư thì đệ tử của bậc Thánh đối trong thân, ngoài thân, trong ngoài thân phải trụ vào thân mà quán. Nếu ở đây chánh cần, chánh tri, chánh niệm đầy đủ thì, sẽ trừ được tham ưu thế gian, cùng nội ngoại của Thọ, tâm, pháp cũng đầy đủ như thân thì, sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý. Các niệm theo niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không trái, không lọt, không mất pháp tánh, tâm sáng tánh ghi nhớ, tất cả nói chung đều là niệm, cũng gọi là niệm căn, cũng gọi là niệm lực, cũng gọi là giác chi, cũng gọi là chánh niệm, chúng có khả năng chấm dứt khổ. Các bậc hữu học đối với các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh, đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, các niệm tùy niệm, cho đến tâm minh, tánh nhớ đó gọi là Niệm giác chi. Khi hành giả đã nhờ Tứ niệm trụ quán sát thân, thọ, tâm và pháp trong ngoài bằng vào chánh cần chánh tri, chánh niệm biết rõ được bộ mặt thật của các pháp, nên vấn đề tu tập phải có sự lựa chọn tiếp theo đó trong pháp tu của hành giả.
2/ Trạch pháp giác chi: Tiếp theo là đệ tử của bậc Thánh, phải thường biết như thật pháp nào thiện, pháp nào bất thiện; pháp nào có tội, pháp nào không tội; pháp nào đáng tu, pháp nào không đáng tu; pháp nào hạ liệt, pháp nào thắng diệu; pháp nào đen, pháp nào trắng; pháp đối địch, pháp duyên sinh. Nếu ở đây hành giả biết tất cả pháp là như thật, pháp nào thiện, pháp nào bất thiện cho đến pháp duyên sinh thì sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; đối với sự lựa chọn đến chỗ kỳ cùng, không còn lựa chọn được nữa; hiểu rõ, tỏ gần tỏ xa, thông đạt tất cả, quán sát thông tuệ, tuệ hạnh sáng tỏ, gọi chung là tuệ, cũng gọi là tuệ căn, cũng gọi là tuệ lực, cũng gọi là trạch pháp giác chi, cũng gọi là chánh kiến. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, đối các pháp lựa chọn, cho đến Tỳ-bát-xa-na (vipaśyanā: quán pháp) là dùng trí tuệ nhất tâm quán pháp, đó gọi là Trạch pháp giác chi. Sau khi hành giả đã lựa chọn pháp tu cho mỗi người rồi thì, cần phải có sự siêng năng nổ lực trong pháp tu của mình.
3/: Tinh tấn giác chi: Tiếp đến đệ tử bậc Thánh, sau khi đã biết lựa chọn, biết pháp nào thiện pháp nào ác rồi trong thực hành chỉ ác hành thiện thì phải tinh tấn dùng phương pháp Tứ chánh cần để tu tập. Vì muốn đọan trừ các pháp ác, bất thiện đã sinh ra, nên siêng năng tinh tấn kiểm sóat tâm, giữ gìn tâm. Vì muốn cho các pháp ác bất thiện chưa sinh sẽ không sinh, nên phải khởi lòng siêng năng tinh tấn kiểm sóat tâm, giữ gìn tâm. Vì muốn pháp lành chưa sinh khiến sinh, nên phải khởi lòng siêng năng tinh tấn trong việc khởi lên ý nghĩ nên hay không nên và, đem áp dụng vào trong việc làm nên hay không nên trong việc kiểm sóat tâm và giữ gìn tâm. Vì muốn những việc thiện đã phát sinh trong việc nuôi lớn vững bền thêm không khiến tâm quên, và muốn làm tăng trưởng rộng lớn trí tuệ tác chứng nên hành giả phát khởi lòng mong muốn siêng năng nổ lực tinh tấn kiểm sóat tâm mình, giữ gìn tâm mình lúc nào cũng thanh tịnh. Khi hành giả theo pháp tu Tứ chánh cần thì sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; những nổ lực tinh tấn, mạnh mẽ, kiên cường, hừng hực khó kiềm, gắng ý không dừng, tất cả đều gọi là tinh tất cả, cũng gọi là tinh tấn căn, cũng gọi là tinh tấn lực, cũng gọi là tinh tấn giác chi, cũng gọi là chánh cần. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, mọi nổ lực tinh tấn, cho đến gắng ý không dừng nghỉ, đó gọi là Tinh tấn giác chi.
4/ Hỷ giác chi: Khi Thánh đệ tử đã nổ lực tinh tấn thực hành những pháp mà mình đã chọn rồi qua chỉ ác hành thiện rồi nhờ lúc cùng nhau niệm Phật như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Như lai, tâm hành giả ngay thẳng thì sẽ đạt được nghĩa và pháp oai thế; đối với Như lai có khả năng dẫn khởi hân hoan, nhờ hân hoan nên sinh tâm hoan hỉ; khi được hoan hỉ thì thân an; thân an thì sẽ hưởng lạc; được an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp mà tu tập tùy theo niệm đối với chư Phật, cho đến tác chứng cứu cánh Niết-bàn.
Lại nữa hành giả khi cùng nhau niệm chánh pháp, tức là chỉ cho chánh pháp của Phật khéo nói hiện tại, mát mẻ đúng thời, hướng dẫn trực quán khiến bậc trí giả nội chứng; hành giả nhờ đó lúc cùng nhau niệm pháp như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với chánh pháp tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với chánh pháp, nhờ tu tập tùy niệm nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.
Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm Tăng già, tức là chỉ cho đệ tử của đức Phật đã thọ cụ túc giới, đầy đủ diệu hạnh, hành động chất trực, thực hành như lý, thực hành pháp theo pháp Phật dạy, thực hành hòa kính. Hơn nữa đệ tử của Phật có hướng đến dự lưu, có quả dự lưu, có quả nhất lưu, có hướng đến không trở lại (bất hòan), có quả bất hòan, có hướng đến A-la-hán, có quả a-la-hán. Như vậy gồm có Tứ song, Bát chích, Bổ-đặc-già-la. Cũng vậy Tăng già, đầy đủ giới, đầy đủ định, đủ tuệ đầy, đầy đủ giải thóat, đầy đủ giải thóat tri kiến, đáng thỉnh đáng đê đầu, đáng cung kính ruộng phước vô thượng, nơi đởi nên cúng dường. Đệ tử của bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm Tăng như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Tăng già tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với Tăng già nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.
Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm giới, tức là chỉ cho hành giả giữ giới thanh tịnh, không khuyết không thủng, không tạp không nhơ, có thể nhận sự cúng dường không rõ ràng, khéo cứu cánh, khéo thọ trì, được người trí khen ngợi, thường không hủy báng. Đệ tử bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm giới như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với giới nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.
Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm Bố thí, tức là hiện tại hành giả khéo được thắng lợi, tuy sống vô lượng nơi cáu bẩn triền phược trong chúng sanh, nhưng tâm xa lìa tất cả cáu bẩn, có thể thực hành bố thí. Tuy ở tại gia, nhưng có thể không đắm nhiễm vào của cải châu báu; ra tay bố thí, làm tế tự lớn, cúng dường ruộng phước, ban ân đầy đủ, ban vui khắp cả. Đệ tử bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm bố thí như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với bố thí có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với bố thí nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.
Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm chư Thiên, tức là chỉ cho Tứ đại vương chúng thiên, trời Ba mươi ba, Dạ-ma-thiên, Đổ-sử-đa thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên. Chư thiên như vậy, thành tựu tín, giới, văn, xả, tuệ nên mất từ chỗ này được sinh về những cõi trời kia hưởng mọi sự khoái lạc. Hành giả chúng ta cũng có tín, giới, văn, xả, tuệ, cũng sẽ được sinh về những chỗ kia, cùng các thiên chúng dồng hưởng khoái lạc. Các hành giả đệ tử của bậc Thánh nhờ cùng nhau niệm Thiên như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chư thiên có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với chư thiên nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn. Hành giả lúc tu tập lục tùy niệm như vậy rồi thì sẽ được sở hữu tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm hân hoan tột cùng, hân hoan hiện hữu, tính loại hân hoan, thích ý vui ý; tính loại hoan hỷ vui hòa hợp không còn phân biệt ... tất cả gọi chung đều là hỉ, cũng gọi là hỉ giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm hoan hỉ tột cùng, cho đến tánh hoan hỉ thì đó gọi là Hỉ giác chi.
5/ Khinh an giác chi: Tiếp tục hành giả nhờ tâm tánh hoan hỉ đang hiện có, hành giả nhập vào sơ thiền, ngôn ngữ lúc bấy giờ dừng nghỉ. Nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ nhất; khi nhập vào đệ nhị thiền, tầm và từ (giác, quán) yên nghỉ, nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó dọi là trạng thái thuận khinh an thứ hai; khi hành giả nhập vào đệ tam thiền; các hỉ ở đây bấy giờ cũng yên nghỉ, nhờ duyên này các pháp khác cũng lặng yên, đó là trạng thái thuận khinh an thứ ba; khi nhập vào đệ tứ thiền, hơi thở ra vào lặng yên, nhờ duyên này các pháp khác cũng an nghỉ, đó là trạng thái thuận khinh an thứ tư; tiếp tục lúc nhập vào diệt thọ tưởng định, ở đây tưởng thọ vắng bặt nhờ duyên này mà các pháp khác cũng không hiện hữu, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ năm và, cũng có khinh an thượng diệu thứ sáu là tối thắng tối thượng. Khinh an này là tối thượng tói diệu không có khinh an nào khác vượt qua nó. Vì sao vậy? Vì tâm từ tham lìa nhiễm mà giải thóat và, từ sân, si lìa khỏi nhiễm mà giải thóat, nên gọi đây là trạng thái thuận khinh an thứ sáu. Hành giả tư duy về trạng thái này thì sẽ sở hữu được mọi sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm nhẹ nhàng, tánh nhẹ nhàng loại nhẹ nhàng, gọi chung là khinh an, cũng gọi là khinh an giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; thân, tâm, tính, loại khinh an, đó gọi là khinh an giác chi.
6/ Định giác chi: Khi hành giả nhờ vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt tận định thì sẽ diệt trừ tận gốc rễ của các lậu. Vì khi hành giả an trú vào sơ thiền thì trước hết nhờ vào tướng trạng các hành mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ và, nhờ xa lìa này mà hỉ lạc sinh ra. Nếu ở sơ thiền mà hành giả an trụ đầy đủ thì hành giả sẽ không còn tư duy về tướng trạng các hành nữa mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh họan, như ung nhọt, như tên độc, chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã. Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi đình chỉ, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ, tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu, xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. Giống như xạ sư giỏi, hay học trò của ông, trước hết học bắn người bằng cỏ, đất bùn ở gần; sau đó mới có thể bắn vật kiên cố lớn ở xa được. Hành giả cũng vậy, trước phải nhờ tướng trạng các hành như vậy mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ; nhờ xa lia nên hỉ lạc sinh. Nếu hành giả an trụ vào sơ thiền đầy đủ thì sẽ không tư duy về các tướng trạng các hành như vậy mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh họan, như ung nhọt, như tên độc, chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã. Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi không tạo tác nhân, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ, tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu, xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. Khi hành giả biết như vậy, thấy như vậy liền từ tâm dục lậu được giải thóat, cũng từ hữu lậu và vô minh lậu tâm được giải thóat; đã giải thóat rồi thì có thể tự nhận thức rằng: Ta được giải thóat, sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Ở đây đề cập về an trụ nhị thiền thì, trước hết cũng nhờ vào tướng trạng các hành, nhưng tầm từ trở nên tịch tĩnh, bên trong tâm tịnh một mực hướng về tự tánh, lúc này không còn tầm từ nữa, nhờ định là hỉ lạc sinh ra. Nếu an trụ đầy đủ vào nhị thiền thì bấy giờ hành giả không còn tư duy về tướng trạng các hành nói cũng giống như trên cho đến vô sở hữu xứ. Khi hành giả nhập vào vô sở hữu và an trụ đầy đủ vào vô sở hữu xứ thì lúc này không còn tư duy về tướng trạng các hành, mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi, cho đến nói đầy đủ như trên và, đến tưởng định có thể hòan thành xong những việc đáng nên làm như vậy. Tiếp đến là Phi tưởng phi phi tưởng xứ cùng Diệt tận định, việc xuất nhập định trong tu tập của hành giả cũng như bảy định trên, lúc này cũng sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, an trụ tâm, an trụ bình đẳng cho đến tâm chỉ còn duy nhất một tánh cảnh, gọi chung là định, cũng gọi là định căn, cũng gọi là định lực, cũng gọi là định giác chi, cũng gọi là chánh định. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán như tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm an trụ bình đẳng, cho đến tâm chỉ còn tánh cảnh duy nhất, thì đó gọi là định giác chi.
7/ Xả giác chi: Đến đây, hành giả nhờ tư duy về đọan giới, ly giới, diệt giới trong những định trên và, cũng nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tánh chính trực, tâm không còn kỉnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh. Lúc bấy giờ hành giả tự nghĩ: “nay ta nên đối với các pháp thuận tham, thuân sân, thuận si mà xa lìa tham, sân, si, nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác nữa, mà an trụ vào tính tịch tĩnh.“ Lại tự nghĩ: “Nay ta nên đối với các pháp tham, sân, si, tâm không còn nhiếp thọ; do tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không cảnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh.“ Ở đây hành giả nhờ xem xét tư duy sáu pháp thuận xả mà có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn cảnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh, ở đây gọi chung là xả, cũng gọi là xả giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán như tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh thì, đó gọi là xả giác chi.
Qua những kinh-luận mà chúng tôi đã trích dẫn trên, chúng cho hành giả chúng ta một cái nhìn duyên khởi hơn trong vấn đề tu tập để đối trị với ba độc tham, sân, si trên cơ bản bằng cách ly tham, sân, si để đưa đến giác nộ giải thóat bằng vào sự tu tập theo thứ tự từ giác chi thứ nhất cho đến giác chi thứ bảy trong liên đới hỗ tương cần thiết cho nhau; nhưng mặc khác mỗi giác chi tự chúng tự hòan thành riêng cho mỗi thứ trong tu tập chính chúng như chính đức Đạo sư đã dạy trong Tương Ưng V theo Tạng hệ Pàli: "Tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi". Vì chính ngay trong mỗi một giác chi chúng đã hiện diện nhân và duyên một cách đầy đủ qua sự cần thiết đủ để pháp đó hiện hữu một cách trọn vẹn bảy chi trong một chi; và ngược lại một chi trong bảy chi, nếu thiếu một trong bảy chi đó thì tự chúng không hiện hữu để hòan thành kết quả. Ngay trongchánh niệm của niệm giác chi đã có trạch pháp giác chi đã có tinh tấn giác chi, đã có hỷ giác chi, đã có khinh an giác chi, đã có định giác chi và, đã có xà giác chi rồi; vì nếu thiếu xả thì không thể có được chánh niệm, thiếu trạch pháp giác chi thì sẽ không có chánh niệm, thiếu tinh tấn giác chi thì sẽ không có chánh niệm giác chi, thiếu hỷ giác chi thì sẽ không có chánh niệm giác chi, thiếu khinh an giác chi thì sẽ không có chánh niệm giác chi rồi, và cứ như thế nếu thiếu đi một trong bảy nhân và duyên của bày giác chi này thì chánh niệm giác chi không hiện hữu để đưa đến kết quả thành công. Do đó Sự thành tựu trong tu tập của hành giả qua một giác chi nào đó cũng chính là sự thành tựu của chính bảy giác chi đồng lúc. Đó chính là mặc sâu xa vi tế của bộ mặt duyên khởi hiện quán theo quan điểm đặc thù của Phật giáo theo bản thể luận còn theo mặt hiện tượng luận sai biệt của các pháp thì có bảy chi pháp, để từ đó hành giả cứ theo thứ tự thời gian mà hòan thành theo thứ lớp tuần tự của chúng. Đây chính là đặc điểm khế cơ khế ký trong phương pháp giáo dục và tu tập của đạo Phật.■

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

Video-Phim

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.